Hôm 24-7, Nga thông báo hoãn bàn giao tên lửa S-400 và không cho biết khi nào có thể nối lại việc bàn giao. Hoạt động bàn giao đã dừng lại kể từ tháng 2.
Phía Trung Quốc cho rằng đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự chậm trễ này. Tuy nhiên, trang tin Asia Times đặt ra câu hỏi phải chăng vết nứt đang xuất hiện trong quan hệ Nga-Trung sau vụ xung đột biên giới Ấn-Trung và một vụ gián điệp liên quan tới một quan chức cấp cao của Nga?
Nga đình chỉ bàn giao tên lửa S-400 cho Trung Quốc
Trang tin UAWire dẫn thông tin đăng trên báo Sohu (Trung Quốc) hôm 24-7 cho biết hệ thống phòng không S-400 mà Trung Quốc mua từ Nga vài năm trước chưa thể trang bị tên lửa dẫn đường phòng không do Nga quyết định ngừng cung cấp vũ khí này cho Bắc Kinh.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: ASIA TIMES
Phía Nga cũng không tiết lộ thời gian nối lại việc bàn giao. Hoạt động bàn giao đã dừng lại gần năm tháng nay.
“Nga thông báo hoãn bàn giao tên lửa cho hệ thống S-400 của Trung Quốc. Xét theo góc độ nào đó, chúng tôi có thể nói quyết định này là vì lợi ích của Trung Quốc. Việc bàn giao tên lửa không dễ dàng như ký hóa đơn” - Sohu viết.
“Họ nói việc bàn giao những vũ khí này khá phức tạp. Trong khi Trung Quốc phải đưa người sang đào tạo thì Nga cũng cần cử nhân viên kỹ thuật sang đưa hệ thống đi vào vận hành” – Sohu viết tiếp.
Sohu nói thêm những lý do Nga đưa ra là rất ấm lòng. Nga buộc đưa ra quyết định này vì lo ngại việc bàn giao tên lửa S-400 vào lúc này sẽ ảnh hưởng tới những hoạt động chống dịch của quân đội Trung Quốc và Nga không muốn gây rắc rối cho Trung Quốc.
Quan hệ Nga-Trung rạn nứt?
Nga là đồng minh thực tế quan trọng nhất của Trung Quốc khi cả hai cùng đối mặt với một nước Mỹ ngày càng khó chịu hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mối quan hệ mật thiết với người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi hai nhà lãnh đạo tìm cách thúc đẩy lợi ích địa chiến lược của họ.
Tuy nhiên, việc Nga đình chỉ bàn giao tên lửa S-400 kể từ tháng 2 có thể báo hiệu sự cố trong mối quan hệ này.
Theo trang tin NetEase và Sohu, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Trung Quốc tại Nga – ông Zhang Hanhui đều đổ lỗi sự chậm trễ là do COVID-19.
Truyền thông Trung Quốc khẳng định quan hệ quân sự Nga-Trung cũng như các thỏa thuận vũ khí vẫn không bị ảnh hưởng do đại dịch và âm mưu gieo rắc bất đồng của phương Tây.
S-400 là hệ thống phòng không có tầm bắn xa nhất trên thế giới hiện này, có thể kết liễu cùng lúc 36 mục tiêu. S-400 có khả năng phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 400 km và ở độ cao 30 km. Nga đã bỏ túi số tiền lớn trong các thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc.
Từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật hồi tháng 6-2019. Ảnh: Mikhail Klimentyev /Sputnik/AFP
Khả năng của S-400 sẽ rất quan trọng khi Bắc Kinh tìm cách gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan.
Năm 2014, Trung Quốc trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400 với giá 300 triệu USD mỗi đơn vị phóng. Bắc Kinh mua sáu khẩu đội S-400.
Với tầm bắn xa, S-400 sẽ giúp quân đội Trung Quốc nhắm mục tiêu chính xác vào Đài Loan cũng như tiêm kích F-16 mà vùng lãnh thổ này triển khai dọc bờ biển Thái Bình Dương.
Việc Trung Quốc mua S-400 cũng cho phép quân đội nước này kiểm soát quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Năm 2018, quân đội Trung Quốc phóng thử thành công S-400, đánh trúng mục tiêu siêu thanh trong cuộc tập trận ở phía tây nước này.
NetEase cho biết Bắc Kinh bày tỏ sự thấu hiểu sau khi việc sản xuất S-400 của Cục thiết kế chế tạo máy móc Fakel gặp khó do COVID-19 tại Nga.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 không phải yếu tố duy nhất gây nhiễu sự hợp tác quân sự giữa hai nước.
Gần đây, hãng tin ANI (Ấn Độ) có thông tin một vụ gián điệp có liên quan tới Trung Quốc tại Nga. ANI cho biết Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ Valery Mitko – giám đốc một viện khoa học xã hội ở TP St Petersburg có liên kết với chính phủ Nga hồi tháng 2 với lý do phản quốc.
Những cáo buộc nhắm vào ông Mitko gồm cung cấp thông tin cho các đặc vụ Trung Quốc về công nghệ phát hiện sóng âm và tàu ngầm của Nga khi người này là học giả thỉnh giảng tại ĐH Hàng hải Đại Liên, đông bắc Trung Quốc năm 2016.
Nhật báo Ming Pao (Hong Kong) dẫn các nguồn tin ở Trung Quốc cho biết đại sứ quán Trung Quốc tại Moscow có một văn phòng chuyên dụng “hướng dẫn” các sinh viên, học giả và nhà thầu Trung Quốc thu thập thông tin mật về quân đội, lĩnh vực hàng không vũ trụ và hạt nhân của Nga.
Nga cũng được cho đã giận dữ trước việc Trung Quốc bí mật sao chép các nghiên cứu và công nghệ quốc phòng quan trọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Nga. Các đơn đặt hàng của Trung Quốc lâu nay là dây cứu sinh cho các nhà cung cấp quốc phòng của Nga.