Ngày 19-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã gặp nhau tại Moscow nhằm tìm giải pháp cho việc tranh chấp lãnh thổ vốn đã khiến hai bên chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình chính thức trong Thế chiến thứ hai, theo hãng tin AFP.
Quần đảo núi lửa trên được phía Nga gọi là Kuril, còn Nhật Bản đặt tên là lãnh thổ phía Bắc mang tính chiến lược đối với nước này.
Quần đảo tranh chấp (đường tròn đứt màu đỏ) mà phía Nga gọi là quần đảo Kuril và đang chiếm giữ, còn Nhật Bản khẳng định đó là lãnh thổ phía bắc của mình. Ảnh: AFP
Tokyo luôn tuyên bố Liên Xô trước đây đã chiếm giữ các hòn đảo bất hợp pháp trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai, trong khi Moscow khẳng định việc chiếm giữ của họ là hợp pháp.
Ngoài ra, việc Nga bắt giữ năm tàu cá của Nhật tại khu vực quần đảo này với lý do đánh bắt bạch tuộc mà không khai báo bị giới chức ở Tokyo coi là một "gáo nước lạnh" dội vào tinh thần của hai nhà ngoại giao Nga-Nhật trước cuộc gặp.
"Các cuộc đàm phán đều mang tính xây dựng và thực chất" - ông Lavrov cho biết.
AFP nói rằng cuộc gặp diễn ra trong hơn năm tiếng đồng hồ và hai bên tập trung vào một hiệp ước hòa bình.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimutsu Motegi và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AP
"Đó là một cuộc thảo luận căng thẳng và hiệu quả" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Atsushi Kaifu nói. Ông Kaifu thông tin thêm hai ngoại trưởng Nhật-Nga sẽ tiếp tục gặp nhau bên lề Hội nghị an ninh Munich vào tháng 2-2020.
Khoảng 20.000 người đang sinh sống tại khu vực này dưới sự kiểm soát của Nga. Moscow đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự và triển khai nhiều hệ thống tên lửa trên khu vực quần đảo này.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp nhau nhiều lần để cố gắng tìm cách phá vỡ sự bế tắc, chủ yếu là thảo luận các hoạt động kinh tế chung trong khu vực.
"Điều quan trọng nhất là chúng ta đều muốn tìm ra giải pháp" - ông Putin nói hôm 19-12 trong cuộc họp báo thường niên của Nga.
Ông Putin ca ngợi "mối quan hệ tin cậy" với Tokyo nhưng ông cũng bày tỏ một lo lắng liệu hai bên có thể tìm thấy một giải pháp chung để xoa dịu tình hình hai nước hay không.