Nga nối lại việc lắp đường ống dẫn khí trong EEZ của Đức

Nhà thầu Nga khởi động lại việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ ngày 11-12, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Ngày 11-12, công ty Nord Stream 2 AG, đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, cho biết trong cùng ngày, tàu Fortuna sẽ tiến hành đặt đường ống dẫn khí xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đức. Đoạn đường ống được lắp đặt dài 2,6 km và sẽ nằm ở vùng nước sâu 30 m.

Nord Stream 2 AG cho biết tất cả công việc xây dựng này đều được thực hiện theo đúng giấy phép mà công ty được cấp. Theo truyền thông Nga, kế hoạch hoạt động của tàu Fortuna đã được công bố từ cuối tháng 11.

Công ty Nord Stream 2 AG cho biết kế hoạch xây dựng các đoạn đường ống khác ngoài khơi Đức sẽ được thông báo sau. 

Tàu Fortuna chuyên lắp đặt đường ống dẫn khí dưới biển. Ảnh: RT

Theo thông báo của Cơ quan liên bang về Quản lý đường thủy và vận chuyển hàng hải, văn phòng tại TP Stralsund (đông bắc nước Đức), việc thi công đường ống dẫn khí trong vùng biển của Đức sẽ kéo dài tới ngày 31-12.

Thông báo nêu rõ trong thời gian này, các tàu thuyền "không được phép thả neo hoặc đánh bắt cá trong khu vực đã được quy hoạch cho đường ống dẫn khí", theo báo The Moscow Times.

Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án kết nối nguồn cung khí đốt dồi dào của Nga với thị trường rộng lớn ở châu Âu qua điểm trung chuyển là Đức. Dự án gồm hai đường ống chạy song song, tổng chiều dài hơn 1.200 km. Công suất thiết kế của mỗi đường ống là 55 tỉ m3 khí mỗi năm.

Dự án này từng bị đe dọa đóng băng do những căng thẳng giữa Nga và Đức xoay quanh vụ một nhân vật đối lập ở Moscow có dấu hiệu bị đầu độc.

Ngày 20-8, ông Alexey Navalny - một người được mô tả là nổi bất nhất trong số các đối thủ chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin - phải nhập viện vùng Siberia (Nga) với triệu chứng nghi là ngộ độc.

Nhiều phòng thí nghiệm ở Đức và các nước châu Âu khác cho rằng ông Navalny bị tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok - loại vũ khí hóa học mà phương Tây cáo buộc Nga đang sở hữu.

Ông Navalny khẳng định mình bị lực lượng tình báo Nga đầu độc. Phương Tây yêu cầu Moscow phải điều tra và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chất độc hóa học. Trong khi đó, Điện Kremlin liên tục phủ nhận cáo buộc, ngược lại còn nêu nghi ngờ ông Navalny bị đầu độc sau khi được chuyển tới điều trị tại Đức.

Mới đây, trong một cuộc họp hôm 10-12, ông Putin nhắc lại rằng giới chức Nga vẫn tiếp tục xem xét vụ việc, song chính phương Tây là bên không chịu hợp tác.

Ông Putin nói rằng chỉ các Đức và các đồng minh có thể chỉ ra "chất độc Novichok đang ở đâu" thì Moscow sẽ sẵn sàng điều tra vụ việc "thật kỹ lưỡng". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm