Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny, đối thủ “cứng cựa” của Tổng thống Vladimir Putin.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu và Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt vào tuần trước đối với sáu quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm Cục trưởng Cục An ninh nội bộ của Nga và Phó Chánh văn phòng của Putin, về vụ đầu độc ông Navalny.
Theo tờ The Hill, trong một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 22-10, các nhà lập pháp đã kêu gọi Mỹ xác định những cá nhân đứng sau vụ tấn công ông Navalny.
Ông Alexei Navalny. Ảnh: THE HILL
Các thượng nghị sĩ viết: “Những người mà ông Navalny cho là ‘kẻ trộm và kẻ gian’đã cố gắng bịt miệng một trong những tiếng nói độc lập cuối cùng của Nga bằng vụ tấn công này. Khi chính quyền làm việc với các đối tác để xác định những cá nhân đứng sau tội ác này, cam kết của Mỹ trong việc ngăn chặn những hành vi như vậy là rất quan trọng”.
Bức thư có chữ ký của các thượng nghị sĩ. Marco Rubio, Roger Wicker, Mitt Romney (thuộc đảng Cộng hòa), Ben Cardin, Dick Durbin và Chris Coons (thuộc đảng Dân chủ).
Ông Navalny, người ngã bệnh trên một chuyến bay nội địa ở Nga, được phát hiện đã bị đầu độc bằng Novichok - chất độc thần kinh hóa học thời Liên Xô, theo các bác sĩ người Đức đã điều trị cho nhân vật này khi ông được đưa đến Berlin để điều trị. Thông tin này sau đó đã được Tổ chức Cấm vũ khí hóa học xác nhận.
Ông Navalny kể từ đó đã hồi phục và trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS News phát sóng hôm 18-10, đã kêu gọi Tổng thống Trump lên án việc sử dụng vũ khí hóa học.
Các quan chức Nga phủ nhận cáo buộc đứng sau vụ tấn công, bày tỏ nghi vấn về những kết luận liên quan đến việc sử dụng chất độc Novichok và cáo buộc châu Âu đang tiến hành một chiến dịch bôi nhọ Moscow.
Trong phát biểu đầu tiên về vụ ông Navalny hôm 22-10, Tổng thống Putin đã bác bỏ cáo buộc Điện Kremlin liên quan đến vụ việc, khẳng định ông đã cho phép nhân vật này được đưa sang Đức để điều trị.
Tổng thống Putin cho biết ông đã yêu cầu các công tố viên Nga cho phép đưa nhân vật này đến Đức từ vùng Siberia, nơi người này nhập viện lúc ban đầu. Ông Navalny trước đó bị hạn chế đi lại do người này là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành.
“Nếu các nhà chức trách muốn đầu độc (ông ấy), họ sẽ khó cho phép ông ấy được đưa đến Đức để điều trị” – hãng tin AP dẫn lời ông Putin nói trong cuộc họp video với các chuyên gia chính sách đối ngoại quốc tế.
Ông Putin bày tỏ sự hối tiếc về việc Đức từ chối chia sẻ các mẫu xét nghiệm mà nước này cho là đã chứng minh ông Navalny bị đầu độc bằng Novichok, cùng loại chất độc thần kinh mà phương Tây cho là được sử dụng để đầu độc cựu sĩ quan tình báo Nga Sergei Skripal và con gái ông này ở Anh vào năm 2018.