Syria liệu có sắp được bình yên? Thủ đô Damacus (Syria) trong ngày 25-2. Ảnh: AP
Chỉ còn một ngày nữa là đến thời hạn thỏa thuận ngừng bắn mới cho Syria có hiệu lực (nửa đêm 27-2) nhưng tình hình giao tranh ở Syria chẳng những không dịu bớt mà còn căng hơn.
Ngày 25-2, máy bay Nga tăng cường không kích các căn cứ phe nổi dậy ở bắc Syria, đặc biệt là tỉnh Latakia gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếm lại tỉnh Latakia là mục tiêu hàng đầu của chính phủ Syria và Nga khi bắt đầu không kích.
Trong khi đó quân chính phủ Syria tăng ném bom và đổ bộ vào thị trấn Daraya ngoại ô thủ đô Damacus, do một nhóm tay súng kiểm soát mà theo chính phủ Syria thì đó là tổ chức Mặt trận Al Nusra nhưng theo phe nổi dậy thì đó là một nhóm phe nổi dậy.
Theo tổ chức quan sát nhân quyền Syria (Anh), trong ngày 25-2, trực thăng quân đội Syria đã thả ít nhất 30 quả bom thùng (thùng kim loại được nén dầu, chất nổ hay hóa chất dễ cháy để tăng tính sát thương) xuống thị trấn Daraya.
Người dân Syria chờ nhận hàng cứu trợ tại thị trấn Kafr Batna (ngoại ô Damacus, Syria) ngày 23-2. Ảnh: REUTERS
Có khá nhiều ý kiến bi quan về tính khả thi của thỏa thuận ngừng bắn mới. Chính phủ Syria tuyên bố sẽ không tuân thủ thỏa thuận nếu các nước cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy, hoặc các nhóm vũ trang lợi dụng tình hình ngừng bắn để tăng vũ trang.
Người phát ngôn nhóm Alwiyat Seif al-Sham thuộc phe nổi dậy cho rằng Daraya sẽ là nơi thỏa thuận ngừng bắn bị vi phạm đầu tiên.
Các tay súng người Kurd tại TP al-Derbasiyah (Syria) giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9-2. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ chẳng những sẽ không tuân thủ thỏa thuận nếu an ninh nước này bị đe dọa, mà còn sẽ thực hiện mọi biện pháp nhắm vào lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nếu thấy cần thiết.
Ngày 25-2, Tổng thống Mỹ Obama cho biết Mỹ đã xác định sẽ nỗ lực để thỏa thuận ngừng bắn này được thực hiện, tuy nhiên ông cũng thừa nhận vẫn còn rất nhiều lý do để bi quan về tính khả thi của thỏa thuận.