Nga-Trung Quốc bắt tay và sự đối trọng với phương Tây

Hôm 4-5, trả lời phỏng vấn tờ Izvestia về các vấn đề hợp tác quốc tế đảm bảo an ninh khu vực, nhất là tại châu Á-Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov khẳng định nước này không có ý định và cũng không mong muốn thiết lập liên minh với Trung Quốc (TQ).

Quay lưng phương Tây, Nga hướng về Bắc Kinh

Hãng CNN mới đây dẫn lời Đô đốc John Richardson, Tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ, cho biết Mỹ đã tái thiết lập Hạm đội 2, phụ trách lực lượng hải quân dọc Bờ Đông và bắc Đại Tây Dương. Đây là động thái mới nhất của Mỹ được giới quan sát cho rằng nhắm vào Nga.

Từ năm 2014 quan hệ Nga và phương Tây trở nên căng thẳng sau sự kiện Nga “sáp nhập” Crimea; bị cáo buộc can thiệp cuộc chiến tranh tại Ukraine và chiến tranh Syria. Hai bên liên tục ban hành các đạo luật trừng phạt lẫn nhau trên phương diện kinh tế lẫn ngoại giao.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và TQ kể từ năm 2014 đến nay trở nên nồng ấm rõ rệt. Cơ cấu xuất khẩu dầu và chuyển dịch hợp tác kinh tế của Nga và TQ có sự tịnh tiến về nhau. Theo Bloomberg, chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm 2018, Nga đã cắt giảm khoảng 20% lượng dầu xuất sang các nhà máy lọc dầu châu Âu. Các dự báo cho thấy “cái bắt tay” giữa cường quốc kinh tế thứ hai thế giới và một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế to lớn, theo đó là sự phát triển hệ thống hạ tầng.

Nga và TQ còn hiện diện với vai trò quan trọng ở các diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nói với báo Izvestia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov khẳng định vài năm gần đây Nga và một số nước đối tác thân cận như TQ và Ấn Độ đã tích cực hành động nhằm nâng cao chất lượng các diễn đàn đối thoại đa phương về vấn đề đảm bảo kiến trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến của Nga trong việc tham vấn các vấn đề an ninh khu vực, một phần trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, đã được Nga triển khai từ năm 2013 dưới sự ủng hộ tích cực của TQ và Brunei.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow tháng 4-2017. Ảnh: AFP

Nga và TQ còn triển khai các cuộc tập trận có quy mô lớn hằng năm, kéo dài từ các vùng biển châu Âu sang châu Á. Cả hai quốc gia cùng có chung quan điểm về vấn đề Triều Tiên, kêu gọi giải pháp hòa bình cho vấn đề “phi hạt nhân hóa” và phản đối Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc. Nga và TQ cũng thường có cùng định hướng trong các vấn đề Iran, Syria và cũng thường dùng lá phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một cách tương đồng.

610 tỉ USD là tổng chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2017, giữ vị trí số một thế giới trong bảng xếp hạng của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). 

Một liên minh thực chất còn xa vời

Không ít chuyên gia phân tích cảnh báo một liên minh Nga-TQ sẽ trở thành mối đe dọa với trật tự thế giới vốn lâu nay do Mỹ và phương Tây kiểm soát. Về kinh tế, Nga-TQ có nền tảng hợp tác năng lượng và sáng kiến “Một vành đai Một con đường” của TQ. Về an ninh thì cả TQ và Nga đều là những thành viên quan trọng của nhiều diễn đàn an ninh khu vực, lại là hai quốc gia có chi tiêu quân sự thứ nhì và thứ tư thế giới (năm 2017). Đó là chưa kể trong lịch sử hai bên từng có mối quan hệ tương đồng về chính trị.

Dù vậy một liên minh thực chất giữa hai “ông lớn” này vẫn còn xa vời. Cuộc chiến tranh biên giới Liên Xô-Trung Quốc năm 1969 mà Liên Xô từng có ý định dùng đến vũ khí hạt nhân là một “vết đen” lớn trong lịch sử quan hệ hai bên. Cho đến hiện nay, các tranh chấp biên giới vốn kéo dài từ những năm 1680, theo đó là các cuộc chạm trán biên giới ở những năm 60 và 70 thế kỷ trước chưa bao giờ trở nên mờ nhạt trong quan hệ hai nước.

Cây bút kỳ cựu về chính sách TQ Cary Huang, viết trên tờ South China Morning Post rằng Nga và TQ gần như có rất ít điểm chung về lịch sử, văn hóa, tôn giáo lẫn truyền thống dù hai nước này cùng chia sẻ đường biên giới dài nhất thế giới. Trong lịch sử, trong khi các sa hoàng Nga nhắm tới vị trí lãnh đạo tối cao của châu Âu thì hoàng đế nhà Thanh xem mình là người thừa kế của nền văn minh phương Đông tối cao.

Nhìn vào các điểm nóng quốc tế hiện nay, điển hình là vấn đề bán đảo Triều Tiên, chiến tranh Syria, hạt nhân Iran hay tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, biển Hoa Đông, mặc dù không có sự đối đầu giữa Nga và TQ nhưng cũng thiếu vắng sự ủng hộ rõ ràng và mạnh mẽ trong quan điểm và hành động để bảo vệ lợi ích của nhau.

Nga và TQ hiện vẫn tăng cường cải thiện các quan hệ hợp tác song phương với nhiều quốc gia nhằm giảm thiểu sự tổn thương trong chiến lược toàn cầu mà khả năng va chạm phương Tây là khó tránh. Nhưng như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov khẳng định, Nga sẽ không “bắt tay” làm đồng minh với TQ mà tập trung vào các diễn đàn đa phương, rõ ràng nhất là Nga - TQ - Ấn Độ, đồng thời tập trung nâng cao quan hệ với ASEAN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm