Hôm qua (8-6), Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc (TQ) theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận về các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác và chiến lược, bao gồm hợp tác năng lượng quy mô lớn, các dự án giao thông và công nghiệp. Sau chương trình hội đàm với lãnh đạo TQ, hôm nay và ngày mai ông Putin sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCo).
Chỉ trong vòng năm năm qua, hai lãnh đạo của hai cường quốc chiếm 23% diện tích đất liền trên toàn cầu, 45% dân số và 25% GDP toàn thế giới đã gặp nhau 25 lần. Phía sau các cuộc gặp là sự giao thoa ngày càng sâu rộng của hai lực lượng chủ lực có thể đối kháng với Mỹ và đồng minh.
Cùng chung “mối đe dọa”
Các vấn đề lịch sử và lợi ích dài hạn thường là rào cản đối với một ý định “đồng minh” kiểu phương Tây giữa Nga và TQ. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, nói như GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế ĐH Maine (Mỹ), rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hoạt động như một “cao bồi”. Nghĩa là một người một ngựa, bất chấp đội ngũ tham vấn để đưa ra các chính sách vô tiền khoáng hậu, xem cả thế giới là đối thủ. Do vậy, việc Nga và TQ tăng cường hợp tác là điều không có gì lạ lùng.
Nga vẫn bị Mỹ kéo lê lệnh trừng phạt từ sau vụ Crimea hồi năm 2014, sau đó là cáo buộc Nga chống lưng cho chính phủ Syria gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, còn Nga cáo buộc ngược lại Mỹ là “kẻ xâm lược” tại đây. Các động thái trừng phạt ngoại giao, trục xuất quan chức ngoại giao hai bên diễn ra khiến quan hệ hai nước chịu sự “đóng băng”.
TQ thì đang hứng chịu lệnh đánh thuế 25% với 50 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, có khả năng xảy ra vào ngày 15-6 tới đây. Mỹ còn gia tăng các thách thức đến an ninh TQ, điển hình như việc TQ đang bị Mỹ và đồng minh EU phản ứng mạnh ở biển Đông kể từ Đối thoại Shangri-La mới đây. Mỹ còn bán vũ khí cho Đài Loan; cân nhắc chuyển từ phương thức bán kèm sang duyệt từng trường hợp; thông qua dự luật du lịch Đài Loan và dự luật cho phép Đài Loan giành lại tư cách quan sát viên tại Hội đồng Y tế Thế giới... khiến TQ phẫn nộ.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 8-6. Ảnh: REUTERS
Rất gần nhau nhưng không đồng minh
Dù EU, NATO, Nhật Bản, Úc, các nước châu Mỹ... tất thảy cùng căng thẳng với Mỹ vì chính sách “nước Mỹ trên hết” của Trump nhưng để gia tăng quan hệ sâu rộng với TQ hay Nga thì cuối cùng cũng chỉ hai nước này nhìn về phía nhau. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Nga-TQ bước vào giai đoạn thắt chặt quan hệ hơn bao giờ hết, vừa ở cấp độ hai quốc gia với nhau, vừa ở cấp độ hai nhà lãnh đạo với nhau.
Trước khi đến TQ vào tuần này, Tổng thống Putin nói với báo chí rằng Chủ tịch Tập Cận Bình là một “đối tác tin cậy và một người bạn tốt”, phấn đấu vì lợi ích của người dân. Hai người thậm chí còn tổ chức sinh nhật ông Putin cùng nhau, cùng uống rượu vodka và ăn xúc xích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh hôm qua (8-6) đã phát biểu rằng chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin sẽ cho thế giới thấy quan hệ Nga-TQ đang ở mức cao và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước.
Kể từ năm 2014, để duy trì liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản TQ và Văn phòng tổng thống Nga đã thiết lập cơ chế các cuộc gặp mặt thường xuyên mỗi năm, mở ra kênh ngoại giao mới giữa Nga và TQ. Ngoài ra, các cuộc viếng thăm chính thức của các quan chức cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên. Điển hình như Bộ trưởng Quốc phòng TQ Wei Fenghe đến thăm Nga vào đầu tháng 4 vừa qua với tuyên bố chuyến thăm cho thế giới thấy mức độ phát triển ở tầm cao trong quan hệ song phương Nga-TQ. Vị này cũng không ngại nói thẳng “hãy để cho người Mỹ biết về mối quan hệ thân thiết giữa các lực lượng vũ trang của Nga và TQ”. Ngay sau đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đến Nga, gặp gỡ ông Putin vào ngày 5-4-2018.
Quan hệ song phương đi đến rất nhiều kết quả thực chất, ví dụ trong năm 2017, thương mại song phương của Nga-TQ đã đạt mức 84,07 tỉ USD, tăng 20,8%. Ngoài ra, Nga-TQ còn có nền tảng hợp tác năng lượng và đặc biệt là Nga tham gia sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” của TQ.
Tuy quan hệ được thắt chặt hơn trước đây nhưng chính ông Tập Cận Bình từng tuyên bố với Nga hồi tháng 4 rằng: “Trong tương lai, chúng ta cần đối xử với nhau một cách tôn trọng và công bằng. Chúng ta nên duy trì năm nguyên tắc chung sống hòa bình… và theo đuổi cách tiếp cận mới đối với quan hệ cấp nhà nước thông qua đối thoại chứ không đối đầu, đối tác chứ không phải đồng minh”. Cách tiếp cận này cho thấy TQ thận trọng trước Nga - vốn nằm trong tầm ngắm của phương Tây, điều không hề có lợi cho khả năng linh hoạt của TQ.
Ngoài ra, TQ tỏ ra thành thục trong việc giữ mâu thuẫn Mỹ-TQ trong “vùng xám”, né tránh đụng độ nguy hiểm đến mức Bắc Kinh phải nghĩ đến phương án đồng minh. Trên thực tế, Mỹ vẫn có mối quan hệ kinh tế sâu đậm với TQ mà ngay cả đồng minh với Nga thì Moscow cũng không khỏa lấp được khoảng trống. Tất nhiên, hơn ai hết TQ cũng hiểu nước này đóng vai trò quan trọng không kém trong chính sách của Mỹ, buộc Mỹ phải suy xét thận trọng trước khi đẩy căng thẳng Trung-Mỹ đi quá xa.
Nga và TQ sẽ tiếp tục gần lại để cân bằng áp lực từ phương Tây, thậm chí sẽ phối hợp đe dọa ông Trump. Nhưng quan hệ đó dù sâu sắc mấy cũng dưới mức đồng minh.
Chính sách của Trump khiến Nga và TQ xích lại gần nhau bởi cả hai đều có mối quan hệ dễ biến đổi với Mỹ. MARIA REPNIKOVA, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thông tin toàn cầu, ĐH Georgia (Mỹ) |