Ngẫm từ Lễ hội hoa Đà Lạt

Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Festival hoa Đà Lạt lần thứ năm; và lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên-Đà Lạt. Nhiều chương trình và hoạt động văn hóa được triển khai. Người xe từ khắp nơi nườm nượp đổ về, dù không đông đúc như Festival hoa hai năm trước. Có lẽ du khách quá sợ tái diễn cảnh người chen lấn như nêm, rất nhiều người không tìm được phòng trọ phải ngủ vật vờ trên xe, cùng chuyện giá cả chặt chém vô tội vạ. Năm nay chuyện chặt chém cũng không hề giảm, từ giá phòng cho đến các dịch vụ ăn uống - nhất là ở các khu vực lễ hội và chợ đêm! Còn đâu nét đẹp văn hóa thân thiện đáng trân trọng của người Đà Lạt xưa?

Người Đà Lạt vốn từ khắp nơi trên cả nước, nhiều nhất là người gốc miền Bắc, miền Trung quần tụ về đây sinh sống. Nhưng với khí hậu mát mẻ, không gian rộng rãi thoáng đãng, chỉ một thời gian ngắn sau họ đã hòa nhập với phong thổ Đà Lạt để trở thành những con người mang phong cách Đà Lạt hiền hòa dễ mến. Đalat vốn là tên một con suối nhỏ chảy qua nơi cư ngụ của bộ tộc người Lát, nơi BS Yersin lần đầu đặt chân đến nơi này ngày 21-6-1893. “Đa”theo tiếng Lát nghĩa là nước. Đalat là nước, là suối của người Lát. Hiện nay ở Lâm Đồng còn rất nhiều địa danh mang từ “Đa” như Đa Nhim, Đa Thiện… hoặc đọc trại thành “Đạ” Đạ Tẻ, Đạ Hoai… Còn từ Lát có khi bị đọc trại ra thành Lạc (Lạc Dương) hoặc Lạch (nhóm cư dân người Lát ở xã Lát dưới chân núi Lang-Bian cũng được gọi là người Lạch. Con suối nhỏ Đalat nơi ban đầu Yersin tìm thấy ấy không hiểu sao sau này bị Việt hóa thành Cam Ly. Và vùng đất quanh con suối Đalat - Cam Ly ấy được định danh thành Đà Lạt mà thời gian đầu phát triển rất từ tốn như tính tình người Đà Lạt. Nhưng từ sau 1975, người dân ở phía Bắc và Trung Bộ ào ạt di cư tự do vào vùng Tây Nguyên, trong đó có vùng phụ cận Đà Lạt. Thời kỳ bao cấp, Đà Lạt gần như đi lùi với sự xuống cấp của nhiều kiến trúc bị bỏ hoang phế cũng như vẻ đẹp hiếm có của Đà Lạt có lúc cũng bị lãng quên. Đến thời kỳ đổi mới thì Đà Lạt lại ào ạt phát triển một cách tự phát đã phá vỡ một phần cấu trúc tuyệt vời có từ thời Pháp.

Đà Lạt vốn được gọi là thành phố mộng mơ, thành phố mù sương, thành phố ngàn hoa. Thành phố mộng mơ với những tên gọi không đâu có: Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, hồ Xuân Hương (gọi theo tên nữ sĩ - Bà Chúa thơ Nôm)… Gọi thành phố mù sương bởi trước kia gần như quanh năm sương sớm sương chiều giăng trắng phố phường. Nhất là mùa đông Đà Lạt sương mù dày đặc đến độ nhiều khi cách nhau mươi mét đã không nhìn rõ mặt nhau nhưng mấy mươi năm qua do nạn chặt phá rừng quanh Đà Lạt để trồng trọt rau màu và người thì ngày càng đông đúc nên sương mù đã “rời bỏ” Đà Lạt mà đi mãi. Còn thành phố ngàn hoa thì khỏi nói, trước kia nơi nào cũng thấy hoa. Hoa trồng, hoa dại thi nhau khoe sắc khắp nơi. Trao đổi với người viết, nhiếp ảnh gia Phước MPK, một người gắn bó và yêu quý Đà Lạt nhất trong những người yêu Đà Lạt, gần 30 năm qua chỉ chuyên chụp ảnh về Đà Lạt nói: Sao chính quyền Đà Lạt không phát động một phong trào hay chiến dịch “Người người trồng hoa - nhà nhà trồng hoa” để Đà Lạt quanh năm rực rỡ hoa chứ không chỉ đợi đến Festival hoa mới chở hàng trăm ngàn giỏ hoa, chậu hoa ra phố trưng bày, được mấy ngày xong lễ hội lại gom đi đổ, vừa lãng phí vừa trông quá nhếch nhác! Ngoài hoa, theo anh, mọi người cũng nên trồng nhiều cây để giữ lại khí hậu trong lành và ôn hòa đặc trưng của Đà Lạt. Thiết nghĩ ý kiến của Phước MPK rất đáng được những người có trách nhiệm với Đà Lạt cân nhắc triển khai, nhất là trong Năm Du lịch Quốc gia Tây nguyên - Đà Lạt 2014, để Đà Lạt mãi là thành phố du lịch thu hút du khách hàng đầu cả nước.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm