Sáng 29-9, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, quốc phòng an ninh và thu chi ngân sách chín tháng đầu năm 2016. Vấn đề chống ngập nước một lần nữa được các đại biểu quan tâm.
Xây nhà trên cống xả, miệng hố gas...
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, ông và bốn phó chủ tịch UBND TP đã đi thực tế kiểm tra tình hình lấn chiếm kênh rạch, hệ thống thoát nước trên địa bàn các quận Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, 12, 9, Thủ Đức… Đặc biệt, tại quận Tân Bình, lãnh đạo TP đã đi thực tế ba điểm dọc kênh A41 - tuyến kênh đảm trách nhiệm vụ thoát nước cho khu vực phía nam sân bay Tân Sơn Nhất. Các đoàn đi thực tế đã rút ra được nhiều vấn đề.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, bày tỏ ngập nước đúng là điều bức xúc lớn của TP. Để giải quyết căn cơ, TP đã có các giải pháp lâu dài, đang triển khai như ngập nước do mưa thì đã có các dự án nạo vét kênh rạch, ngập do triều cường thì có cống ngăn triều, bờ bao… Thế nhưng “chúng tôi đi xuống thực tế kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước, phải thừa nhận cái chủ quan của chúng ta trong quản lý là nguyên nhân gây khó khăn trong chống ngập. Hầu hết cống xả, miệng hố gas thoát nước bị chiếm dụng, xây nhà lên chỗ đó làm ngăn dòng chảy, không duy tu được” - ông Khoa nói.
Ông Khoa đặt vấn đề các quận/huyện quản lý ra sao mà lại không biết chuyện lấn chiếm như thế. Ông Khoa cho rằng nếu quản lý tốt thì không đến nỗi ngập nặng như vừa qua. Ông Khoa nhấn mạnh từ nay trở đi quận/huyện, xã/phường nào để xảy ra tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước thì phải bị kỷ luật trước UBND TP. Đồng thời, cán bộ địa bàn quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng chiếm đất, chiếm rạch, thu hẹp dòng chảy thì rất đáng bị kỷ luật.
Không ít công trình nhà dân xây luôn trên cả miệng cống xả, hố gas. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đi kiểm tra các công trình liên quan đến hệ thống thoát nước, chống ngập tại quận 9 sáng 28-9. Ảnh: TÁ LÂM
TP lại phải tốn tiền giải quyết hậu quả
Theo ông Khoa, những ngày tới dự báo sẽ còn mưa lớn. Ông Khoa yêu cầu: “Trung tâm Chống ngập và quận/huyện phải xử lý số rác trên miệng cống. Phải bố trí lực lượng thường xuyên túc trực để giải quyết ngay các sự cố ngập, không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng có đi thực tế mới thấy đủ các nguyên nhân gây ngập. Ngập nước không chỉ do mưa, triều cường mà còn do sự quản lý của con người. “Công tác quản lý của chúng ta kém ở một số nơi” - ông Phong khẳng định.
Ông Phong cho biết thời gian tới UBND TP sẽ có cuộc họp để đánh giá lại những vấn đề rút ra qua việc cử các đoàn đi thực tế kiểm tra các điểm lấn chiếm kênh rạch, từ đó có được các giải pháp trước mắt và lâu dài để chống ngập hiệu quả hơn. “Với các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước, TP sẽ phải di dời một số hộ dân đến nơi khác để giải tỏa cho dòng chảy. Dù không bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng TP phải hỗ trợ cho người dân di dời. Đây là hậu quả cho việc quản lý yếu kém của các quận/huyện, giờ chúng ta phải tốn một khoản ngân sách khá lớn cho việc này” - ông Phong nói.
Chánh Văn phòng UBND TP.HCM: Khó bồi thường các xe bị ngập trong hầm Liên quan đến thiệt hại của người dân do xe bị ngập dưới hầm trong trận mưa lịch sử ba hôm trước, tại buổi họp báo trưa 29-9, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng việc bồi thường là khó, vì việc các hầm xe bị ngập là thiên tai, ngoài ý muốn, một phần cũng chủ quan trong thiết kế xây dựng, chưa lường được các tình huống bị ngập. Ông Hoan cho hay sẽ tiến hành khảo sát thiệt hại nhưng “khảo sát thiệt hại không có nghĩa là mình bồi thường, tại vì nó là cái bất khả kháng nhưng mà khảo sát là để xem sau một trận mưa như thế chúng ta thiệt hại bao nhiêu, từ đó tìm cách khắc phục, chứ nếu mà nói bồi thường thì rất khó” - ông Hoan nói. 38 tuyến đường bị ngập, báo cáo của UBND TP.HCM cho hay. Theo đó, trong chín tháng đầu năm TP.HCM xảy ra 79 trận mưa tập trung vào các tháng 5, 6, 7, 8 với vũ lượng 10-159,6 mm đã gây ngập 38 tuyến đường, trong đó có 13 tuyến đường ngập do mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống. |