Ngập lụt, triều cường, kẹt xe ảnh hưởng đến 10 triệu dân TP.HCM

(PLO)- Theo thống kê, 54% dân số ở TP.HCM thường xuyên trải nghiệm ngập lụt, triều cường, kẹt xe, gây thiệt hại hơn 3 tỉ USD mỗi năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 9-5, Trường Đại học Việt Đức phối hợp với Sở GTVT TP.HCM, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM tổ chức Hội thảo về phát triển công cụ số hỗ trợ quản lý điều tiết hoạt động mạng lưới xe buýt TP.HCM trong điều kiện mưa ngập đường gây ùn tắc giao thông: Phương pháp tiếp cận dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho hệ thống xe buýt công cộng TP.HCM.

ngập lụt
Ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến 10 triệu dân ở TP.HCM.

54% dân số TP.HCM thường xuyên trải nghiệm ngập lụt

Phát biểu tại hội thảo, TS Thomas Aulig - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức đánh giá: "Biến đổi khí hậu đã và đang tác động lớn đến môi trường, gây ngập lụt ở các đô thị lớn, trong đó ảnh hưởng đến khoảng 54% dân số, tương đương 10 triệu dân ở TP.HCM. Bên cạnh đó, ngập lụt đô thị do mưa lớn, triều cường còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới xe buýt ở TP".

ngap-lut.jpg
TS Thomas Aulig - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức. Ảnh: NHƯ NGỌC

Về tổ chức mạng lưới giao thông, ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, khái quát: TP.HCM là siêu đô thị, mạng lưới xe buýt bao phủ 22 quận huyện, TP, đi qua 62 bệnh viện, 230 trường học, phục vụ nhu cầu đi lại rất lớn. Hệ thống xe buýt ở TP với hơn 2.000 phương tiện, hoạt động trên 128 tuyến, vận chuyển khoảng 250.000 người/ngày.

Thời gian qua, tình trạng mưa, triều cường gây ngập lụt ở TP ảnh hưởng lớn đến hệ thống xe buýt. Đặc biệt trong quá trình quản lý, việc tích cực phát triển các phần mềm liên quan để nắm bắt kịp thời thông tin, cung cấp đến người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

ngap-lut-1.jpg
Ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM. Ảnh: NHƯ NGỌC

Ngoài ra, mạng lưới xe buýt ở TP còn tiếp cận, đảm nhận kết nối kinh tế vùng với các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Tây Ninh,... Chính vì vai trò quan trọng đó, việc chuyển đổi số đối với mạng lưới xe buýt là một xu thế trong tương lai.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng những ngày qua, các cơn mưa đầu mùa gây xáo trộn về giao thông, kẹt xe khắp nơi dẫn đến giao thông gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xe buýt, gây thiệt hại lớn ở TP.HCM.

7-ngap-1242-6124.jpg
Đường ngập dẫn đến ùn tắc giao thông, thiệt hại hơn 3 tỉ USD mỗi năm cho TP. Ảnh: ĐÀO TRANG

Theo thống kê, ngập lụt đô thị tác động lớn đến ùn tắc giao thông, trong khi đó ùn tắc giao thông gây thiệt hại khoảng 97 tỉ USD cho năm 2015 - 2045, tương đương khoảng 3 tỉ USD mỗi năm.

"Nắn tuyến" để tránh đường ngập, kẹt xe

TP đang hướng đến giao thông xanh, chú trọng phát triển các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, buýt sông, tàu điện ngầm,...) đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh TP đang đối mặt với tình trạng ngập lụt, kẹt xe.

Hiện nay xe buýt ở TP.HCM chỉ đáp ứng khoảng 5% tổng nhu cầu đi lại. Trong khi đó, xe máy chiếm khoảng 75% số chuyến đi hàng ngày.

ngap-lut-1.jpg
54% dân số ở TP thường xuyên trải nghiệm ngập lụt.

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Anh Tuấn cũng có nhiều chia sẻ về công cụ quản lý, điều hành hệ thống xe buýt công cộng trong điều kiện thời tiết cực đoan.

ngap-lut-3.jpg
PGS.TS Vũ Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHƯ NGỌC

Hiểu đơn giản, nhóm nghiên cứu sẽ thu thập các dữ liệu liên quan làm cơ sở để nghiên cứu phát triển các ứng dụng. Trong đó, ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng bản đồ mưa/ngập lụt; bản đồ điểm ùn tắc, cập nhật mỗi 15 đến 30 phút để cung cấp thông tin đến Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, làm cơ sở điều chỉnh, "nắn tuyến" lộ trình xe buýt.

"Điểm mấu chốt của công cụ là khả năng dự báo ùn tắc giao thông ngắn hạn và mức độ ùn tắc cho toàn bộ mạng lưới giao thông. Từ đó, đem lại lợi ích kinh tế lớn, giảm thiểu thiệt hại của các doanh nghiệp vận tải xe buýt.

Điểm đặc biệt của công cụ này là lưu ý đến lưu lượng xe, các yếu tố tác động đến kẹt xe như mưa, ngập lụt. Khi đó, mô hình này cho phép dự báo đến người dân và doanh nghiệp nếu có mưa với cường độ lớn lúc 4 giờ thì vào lúc 5 giờ sẽ ùn tắc ở đâu. Đó là cơ sở để Trung tâm lên phương án điều chỉnh, nắn tuyến xe buýt và hành khách sẽ nhận được thông tin qua ứng dụng Go!Bus" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, công cụ này cũng gặp một vài khó khăn, vướng mắc, đơn cử như doanh nghiệp xe buýt có hợp đồng với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng trong thời gian, lộ trình xác định, kinh phí sẽ được tính toán dựa vào đó. Khi điều chỉnh lộ trình kéo dài hoặc ngắn hơn hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận hành, chi trả hàng tháng của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Sở GTVT TP có thể đề xuất TP cho phép điều chỉnh cập nhật sản lượng khai thác để tính toán lại chi phí Nhà nước phải chi trả cho doanh nghiệp.

Việc phát triển công cụ số này sẽ giúp TP sẽ nâng cao năng lực thích ứng với rủi ro ngập lụt và biến đổi khí hậu. Đơn vị vận tải có thể điều chỉnh lịch trình hoạt động phương tiện. Cơ quan quản lý GTVT có thể dự đoán tình trạng ùn tắc giao thông, các tuyến xe buýt bị ảnh hưởng và chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Hành khách sẽ nhận được thông tin về hoạt động của xe buýt và các sự kiện ùn tắc, ngập lụt để điều chỉnh kế hoạch di chuyển cho phù hợp với điều kiện thời tiết cực đoan.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm