Ngày mai: Giá xăng tăng cao, cung ứng xăng sẽ bình thường trở lại?

Ngày 10-2, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường (QLTT)  tỉnh An Giang cho biết, hôm nay QLTT kiểm tra giám sát tổng cộng 596 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Kết quả có 585 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 14 cửa hàng hết xăng, chỉ bán dầu.

10 cửa hàng ngưng hoạt động, trong đó có 6 cửa hàng đã thông báo với phòng Kinh tế Hạ tầng, Sở Công Thương.

UBND xác nhận 2 cửa hàng đã nghỉ hơn một năm, một cửa hàng nghỉ từ khi dịch COVID-19, một cửa hàng nghỉ bán do nhân viên nhiễm COVID-19 có quyết định cách ly tại nhà của UBND xã.

Theo ông Hồ, qua kiểm ra lực lượng chức năng chưa phát hiện tình trạng đầu cơ găm hàng nâng giá bất hợp pháp.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang đồng loạt kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. ẢNH: N.HỒ

Tuy nhiên, nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục LTT tỉnh An Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu; đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý địa bàn, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. 

Kiên quyết xem xét xử lý các trường hợp buông lỏng, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu tiêu cực... để phát sinh vụ việc vi phạm, tình hình phức tạp xảy ra trên địa bàn quản lý, phụ trách.

Song song đó, QLTT tăng cường phối hợp với Sở Công thương, Khoa học Công nghệ, Công an, Thuế... kiểm tra thực tế các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang tạm ngưng hoặc bán cầm chừng thì ban hành quyết định kiểm tra và lập biên bản ghi nhận tình hình thực tế của đơn vị đó.

Xem xét xử lý theo quy định nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh xăng dầu làm ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương.

Lực lượng chức năng chưa phát hiện hành vi găm hàng nâng giá. ẢNH: N.HỒ.

Cùng ngày, ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương hôm qua và hôm nay lực lượng chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Tỉnh Cà Mau hiện có 389 cửa hàng xăng dầu, trong đó số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tư nhân lấy nguồn cung từ doanh nghiệp (DN) phân phối ngoài tỉnh chiếm 50% và chủ yếu đóng trên địa bàn các huyện.

Riêng các cửa hàng xăng dầu ở thành phố Cà Mau và thuộc các DN lớn hiện đang hoạt động kinh doanh bình thường, ổn định.

Theo đó, đến 16 giờ hôm nay lực lượng chức năng kiểm tra trên địa bàn Cà Mau có hai cửa hàng xin tạm ngừng hoạt động để sữa chữa; bảy cửa hàng tạm ngừng bán từ ngày 8-2-2022 và 1 cửa hàng ngừng bán ngày 10-2-2022 do không lấy được nguồn xăng dầu từ nhà phân phối.

Theo ông Nam, qua thực tế kiểm tra tại kho chứa đúng là các cửa hàng này đều không còn xăng để bán.

Bên cạnh đó, qua nắm thông tin các nhà phân phối cho thấy họ không nhận được nguồn cung xăng từ các DN đầu mối, mà các đầu mối chủ yếu đóng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và các tỉnh khác.

Song song đó, do thù lao cho các cửa hàng bán lẻ giảm sâu chỉ còn 50-100 đồng/lít thậm chí có thời điểm 0 đồng. Với mức thù lao như vậy cửa hàng xăng chỉ bán cầm chừng vì chi phí cho hoạt động kinh doanh xăng dầu cao, ngay cả DN phân phối lớn cũng khó khăn vì chiết khấu giảm.

“Ngày mai đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo quy định, dự báo giá xăng dầu sẽ tăng mạnh nên việc cung ứng xăng dầu từ các DN đầu mối sẽ trở lại bình thường, ổn định. Hôm qua, tại cuộc họp trực tuyến Bộ Công Thương đánh giá nguồn xăng dự trữ để cung ứng ra thị trường không thiếu. Sở Công Thương, Cục QLTT tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát để ngăn chặn tình trạng các cửa hàng găm hàng, chờ tăng giá…”, ông Nam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm