Vẫn như hơn 40 năm trước, những câu chuyện giữa họ vẫn là niềm đau đáu với tương lai đất nước.
Ông Kiều Xuân Long, LS Triệu Quốc Mạnh và TS Đỗ Thị Đông Xuân (từ trái qua) cùng chia sẻ về ngày trở về Ảnh: Tự Trung
Cùng nhau hân hoan cài lên áo chiếc huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Ban trí vận, cùng nhau ôn lại từng kỷ niệm, từng tấm ảnh trong cuốn kỷ yếu, câu chuyện bắt đầu từ chính bản thân họ, những người trí thức.
* Ông Kiều Xuân Long: Tôi nhớ mãi những ngày sau 30-4-1975, trụ sở của mặt trận ở 55 Mạc Đĩnh Chi tấp nập từ sáng sớm đến tối khuya. Các nhân sĩ trí thức, đại diện tôn giáo, bà con nhân dân thành phố kéo nhau lui tới hỏi han, tìm hiểu, đóng góp, hiến kế để xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới trong chế độ mới. Mọi người thấy nơi đó như là chỗ của họ, là mái nhà chung, là tổ ấm, là chỗ dựa. Trải qua kháng chiến, về làm việc ở đó những ngày ấy thật vất vả, tiếp khách bận bịu nhưng thật vui sướng vì biết rõ mình, lý tưởng của mình được tin tưởng.
Tôi cứ day dứt mãi với những câu hỏi: Tại sao trong chiến tranh khốc liệt, kháng chiến gian khổ, những trí thức lớn, thành đạt, giàu có đã bỏ tất cả để vào rừng, để rồi khi hòa bình, thống nhất, hàng loạt trí thức lại bỏ ra đi? Những thiếu thốn vật chất, tư tưởng ấu trĩ thời ấy qua rồi thì sao đến ngày nay vẫn ít người quay trở lại, các em, các cháu trí thức thế hệ sau này cũng đang bỏ ra nước ngoài không ít? Rất nhiều bản báo cáo của Đảng có mục rút kinh nghiệm: “Chưa phát huy hết khả năng, tiềm năng của lực lượng trí thức”, nhưng rồi vẫn cứ lặp lại mãi như thế từ nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ kia. Tôi tin rằng người trí thức nào cũng mong muốn được góp sức mình cho sự nghiệp phát triển đất nước, nhưng dường như họ vẫn gặp nhiều rào cản.
Người trí thức cần nhất là được tin tưởng và đáng được tin tưởng. Nhìn vào lịch sử, chẳng phải mỗi lúc đất nước nguy nan đều có người trí thức xông vào chung vai gánh vác, xung phong tiến lên đội tiên phong hay sao?! Khi đã được tin tưởng, họ sẽ có điều kiện để được tự do trong công việc khoa học của mình.
* TS Đỗ Thị Đông Xuân: Có thể do tôi ở xa đất nước nên không cảm nhận được nhiều những trăn trở ấy, nhưng tôi quyết đi tiếp lý tưởng mà tôi và ba mẹ tôi đã chọn khi theo cách mạng mấy mươi năm trước: giúp thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn cuộc sống của người nghèo. Công trình tôi đang làm, cũng như đang mơ ước là xây dựng một hệ thống nuôi gia cầm hoàn chỉnh, kiểm soát khép kín từ khâu chọn trứng, ấp, nuôi, giết mổ, thành phẩm. Chúng tôi sẽ làm những lò ấp, lò giết mổ di động để đi đến từng thôn làng, phục vụ đầu vào và thu mua đầu ra cho bà con nông dân. Những người dân nghèo sẽ được cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật để nuôi ra những con gà sao chất lượng cao vừa ngon, vừa sạch..., từ đó mà thoát nghèo.
Hiện tôi đang phối hợp với ĐH Trà Vinh để thực hiện công trình này ở Trà Vinh, thành công sẽ nhân ra địa phương khác. Cách nay vài năm, công trình này đã thất bại một lần. Đơn vị đối tác mà tôi phối hợp lúc ấy không có quyết tâm thực hiện nhiệm vụ để đạt mục đích vì người dân. Họ chỉ muốn đưa ra dự toán xây dựng một lò giết mổ kiên cố và đắt tiền, muốn giải ngân, và hết dự án thì cũng không ai làm tiếp nữa... Tôi cố gắng không để những điều đó làm mình nản lòng. Tôi phải tiếp tục vì những người nông dân.
* LS Triệu Quốc Mạnh: Cô chuyên gia nông nghiệp hãy cố gắng giữ những giống gia súc, gia cầm quý của VN nữa nhé, như là gà tre, gà tre ô mã lại, heo mọi...
* Bác sĩ Bảy Chi: Tôi cũng đang chờ Bệnh viện Phúc An Khang (Q.2, TP.HCM) của chúng tôi được cấp phép. Năm 1993, khi lần đầu về thăm quê hương, tôi đã mời được một số nhà đầu tư đồng ý xây dựng bệnh viện ở TP.HCM. Nhưng rồi thủ tục nhiêu khê quá, tới hơn hai năm mới được cấp phép khiến nhà đầu tư nản lòng, rút vốn.
Đọc báo, xem tivi, về Việt Nam, tôi thấy cảnh các bệnh viện quá tải mà đau lòng. Tại sao nguồn vốn ODA lại chỉ thấy được rót vào cầu đường mà ít được dùng để xây dựng thêm bệnh viện? Có phải vì làm đường mau thu được tiền lại không?... Tôi cũng như cô Xuân, nhớ những ngày kháng chiến xưa mà dặn mình: không được nản lòng.
* TS Đỗ Thị Đông Xuân: Không chỉ có bệnh viện quá tải. Mỗi lần trở lại, tôi đều thấy Sài Gòn đông hơn, chật chội hơn. Thành phố nay có 8-9 triệu dân, nhìn những người nhập cư chen chúc vào thành phố, ở trọ, ăn bụi mưu sinh tôi thật xót ruột. Xót cho họ và cho cả Sài Gòn. Xin hãy xem lại các chiến lược phát triển. Phải làm sao để người nông dân có được cơ hội sống bình yên, sung túc ngay ở nhà mình. Các dự án triển khai ở nông thôn cần phải được xây dựng sao cho phù hợp với môi trường, văn hóa của vùng đó, đừng để những khối bêtông của phát triển quét sạch đi những gì gọi là quê hương.
* LS Triệu Quốc Mạnh: Tôi đồng ý với cô Đông Xuân, hãy nghĩ đến con người, vì con người chúng ta sẽ thấy những điều vô lý, bất cập, có thể gây hại đến cuộc sống. Mấy ngày nay nghe báo chí ồn ào vụ sách giáo khoa. Lớp trẻ giờ nhiều kiến thức hơn chúng tôi xưa, khoa học kỹ thuật rất giỏi nhưng sách giáo khoa thì phải hết sức chú trọng các ngành văn học, lịch sử, vì đó là dạy người. Không chú trọng vào giáo dục con người là làm hỏng lớp trẻ.
* Ông Kiều Xuân Long: Quay lại chuyện con người, tôi lại xin nói thêm một câu về trí thức. Thời chiến đã cần trí thức, thời bình lại càng cần hơn. Những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, những người thị dân buôn thúng bán bưng, người công nhân một sương hai nắng của chúng ta đều đang nung nấu, chắt bóp nuôi con mình ăn học. Họ đều đang đào tạo những trí thức. Một đất nước say mê và tôn thờ giá trị tri thức như vậy không thể nghèo mãi được đúng không?
Theo PHẠM VŨ (Tuổi Trẻ)