Ngày 2-9, Công an quận Long Biên, Hà Nội, đang điều tra vụ việc giả danh cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.
Ảnh minh họa. TP |
Cách đây hơn một tuần, công an tiếp nhận đơn trình báo của ông T (42 tuổi, trú tại quận Long Biên) về việc nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cảnh sát giao thông.
Đối tượng thông báo ông T vi phạm giao thông ở TP Đà Nẵng và yêu cầu ông chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra nếu không sẽ phong tỏa tài khoản.
Tin lời, ông T đăng nhập vào phần mềm do các đối tượng cung cấp thì bị mất sạch 170 triệu đồng.
Biết mình bị lừa, ông T đã đến cơ quan công an trình báo.
Thời gian qua, tình trạng người dân nhận được các cuộc điện thoại tự xưng là cảnh sát giao thông thông báo việc xử phạt vi phạm giao thông hoặc có liên quan đến tai nạn giao thông diễn ra khá phổ biến.
Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng… để thông báo biên bản vi phạm, số tiền xử phạt.
Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”, đồng thời yêu cầu nạn nhân giữ bí mật.
Nhiều người dân mất cảnh giác đã sập bẫy.
Để tránh trở thành nạn nhân, công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên.
Các đơn vị cảnh sát giao thông không gọi điện thoại yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng cho các đối tượng.