Bà Nguyễn Thị Hát (73 tuổi, ngụ hẻm 123 đường Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) ngồi hóng mát ngay bậc cửa bếp đổ đầy bóng râm giữa buổi trưa oi ả. Nghe có tiếng xe máy dừng lại, bà vội vã hỏi “Ai đó?” rồi vịn ghế đứng lên bước ra hướng cửa chính (bà Hát bị mù). Nghe tiếng bà Trần Thị Ruông, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hòa Thạnh: “Bà Hát bữa nay sao rồi?”, gương mặt bà Hát (bị mù) vui vẻ hẳn lên. Bà dò dẫm đến chiếc giường kê ngay phòng khách nhỏ xíu, ngồi xuống và trả lời: “Cô mới thăm tôi tuần trước nay đến thăm nữa hả? Ở đây chơi lâu lâu nha!”.
Mong có người đến để trò chuyện
Nghe có khách, ông Phan Văn Sơ (75 tuổi, chồng bà Hát) cũng từ gian nhà trong đi ra, bước đi chậm chạp, run run. Bà Ruông đi cùng với một tình nguyện viên (TNV) của Câu lạc bộ (CLB) Người cao tuổi chăm sóc người cao tuổi, bước vào nhà. Cả hai vợ chồng ông Sơ, bà Hát đều nhận ra đó là ông Nguyễn Văn Diệp. Ông đến thăm và mang theo một phần quà. Trong chốc lát, căn nhà rộn rã tiếng nói cười.
Bà Hát bị mù từ hơn chục năm nay. Chồng bà cách đây sáu năm cũng bị tai biến. Hai ông bà ở chung với vợ chồng người con trai và cô con gái. Chị Phượng, con bà Hát, kể: “Mẹ tôi hễ nghe thấy bước chân ai là hỏi thăm liền, rồi níu người ta lại nói chuyện. Mấy năm trước mắt bà còn thấy mờ mờ, bà hay đi qua hàng xóm gặp mấy dì cùng tuổi nói chuyện với nhau. Từ hồi mắt mẹ hết nhìn thấy, rồi ba cũng bệnh nặng, mẹ mới chịu quanh quẩn trong nhà”.
Ông Nguyễn Văn Diệp và bà Trần Thị Ruông thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Hát và ông Phan Văn Sơ. Ảnh: H.MINH
Ông Sơ bị lãng tai, cứ nghiêng nghiêng phía bên tai còn nghe được về phía người nói. Khi nghe vợ nhắc lại lời của khách nói mà ông nghe chưa rõ, ông cười cười. Nội dung cũng chỉ xoay quanh câu chuyện sức khỏe, con cái, chuyện ở quê... Rồi ông nói: “Quà cáp làm chi, mấy cô chú tới đây chơi nói chuyện là được rồi”.
Ông Diệp phân trần, quà không có bao nhiêu, chỉ có đường, sữa cho người già. Ông Diệp năm nay 56 tuổi, là một trong 10 TNV của CLB Người cao tuổi giúp người cao tuổi phường Hòa Thạnh. Ông Diệp cũng cho biết vợ chồng ông Sơ, bà Hát nhiều bệnh, may mắn là con cái hiếu thảo chăm sóc nên không khó khăn quá mức về vật chất. Do đó, TNV thường đến thăm hỏi, động viên tinh thần hai cụ là chính. Hai cụ dặn đi dặn lại: “Bữa sau khi nào rảnh lại ghé nhà tôi chơi hỉ!”.
Chia sẻ gian khó
Ông Nguyễn Hiền (ở nhà trọ số 48 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, Tân Phú) có hoàn cảnh rất khó khăn. Ông bị tai biến và bị liệt cách đây ba năm. Việc mưu sinh đổ dồn lên vai người vợ. Ông bà có hai người con thì một con trai đang bị liệt nửa người sau một tai nạn. Ông Diệp đã vận động nhiều người góp tiền giúp đỡ ông Hiền, hằng tháng hỗ trợ gạo, mì. Hễ có nhà hảo tâm nào liên hệ, ông Diệp lại giới thiệu họ đến thăm ông Hiền. Ông Hiền nói một cách khó khăn do cơ mặt méo xệch sau tai biến: “Mấy cô chú tới thăm suốt, tôi được an ủi nhiều. Chỉ cần tới thăm là tôi vui rồi chứ tôi ngồi một chỗ đi đâu được nữa”.
Bà Trần Thị Ruông, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hòa Thạnh, cho biết năm 2013 phường Hòa Thạnh là phường điểm của quận được chọn triển khai kế hoạch chăm sóc, tư vấn sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Do đó, CLB Người cao tuổi chăm sóc người cao tuổi được thành lập. Mỗi TNV chăm sóc cho một đến hai người già trên địa bàn. Có 28 cụ thường xuyên được hỗ trợ. Các TNV rất nhiệt tình, không hề có phụ cấp gì hết nhưng họ đều có trách nhiệm, nắm tình hình cuộc sống của các cụ rất tốt, hễ cần là họ có mặt. Quà tặng vật chất thì không nhiều nhưng họ nhận được sự quan tâm tinh thần rất lớn, điều đó rất quan trọng đối với người già! ____________________________ CLB còn tổ chức tập thể dục dưỡng sinh vào các buổi sáng hằng ngày tại quận ủy, có 35 cụ tham gia. Mỗi tháng CLB tổ chức sinh hoạt gặp gỡ một lần cho các TNV để sinh hoạt văn nghệ, tập huấn cách chăm sóc sức khỏe cho người già, giao lưu để gắn kết tình cảm, động viên lẫn nhau. |