Chị em lũ lượt đi lặt lá mai
Nghe những hàng xóm gần nhà kháo nhau về việc đi lặt lá mai kiếm tiền xài tết, chị Nguyễn Thu Sương (30 tuổi, nội trợ) cũng tranh thủ để kiếm thêm tiền. Chị cho biết với mức thu nhập 250.000 đồng/ngày đủ để chị phụ thêm chi phí sinh hoạt dịp cuối năm cùng với chồng để lo cho hai đứa con đang lớn. “Từ tuần trước, tôi đã xin liên hệ với chủ vườn để đăng ký tham gia rồi. Mấy chị em trong xóm cũng rủ nhau đi nhiều lắm, ai rảnh giờ nào thì làm giờ đó” - chị Sương nói.
Chị Lê Thị Thủy (35 tuổi) cho biết hằng năm vào dịp này chị đều xin đi lặt lá mai để kiếm thêm tiền sắm đồ tết cho con. “Tôi ở ngay đây nên cứ vào dịp này lại đến vườn mai xin lặt lá. Mỗi ngày cũng kiếm được hơn 200.000 đồng, có đồng ra đồng vô sắm đồ tết cho tụi nhỏ” - chị Thủy tâm sự.
Anh Nguyễn Thanh Minh (40 tuổi), cùng là nhân công với chị Thủy cho biết ngoài các công việc như bốc vác, chở hàng, cứ có thời gian là anh lại xin đi lặt lá mai. “Việc đơn giản lại nhẹ nhàng, chỉ sợ nắng chút thôi nhưng nếu chịu khó đứng làm liên tục thì sẽ được hết” - anh nói.
Nhiều nam thanh niên, ở độ tuổi trung niên cũng tham gia lặt lá mai. ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Ông Huỳnh Văn Công, chủ một vườn mai ở đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) cho biết năm nào cũng có người đến xin để làm từ trước thời điểm cần lặt lá mai khoảng một tuần. Tiền công mỗi ngày 250.000 đồng kèm hai bữa ăn và nước uống. “Vì cuối năm, ai cũng cần tiền để lo chi phí nên họ đến xin nhiều lắm. Chỉ sợ không đủ việc cho họ làm chứ không sợ thiếu người” - ông Công nói.
Mặt bằng tiền lương của các nhân công lặt mai ngày tết đều dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày. Nhiều nhân công cho biết họ hài lòng với mức thu nhập này và bất cứ chủ vườn nào cần họ đều có thể tham gia.
Ông Sáu Na chia sẻ bí quyết chăm mai ngày tết. ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Ông Sáu Na (chủ một vườn mai trên đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) là người gắn bó với việc trồng mai từ thời Pháp thuộc. Đó là nghề chính của gia đình ông. Theo ông, nhiều người chơi mai nhưng không biết cách chăm sóc nên cây dễ chết dù chỉ mới vài ngày.
“Đến mồng 10 tết phải tách gốc cây mai và sang qua chậu khác. Dùng phân chuồng, phân bò, phân gà với trấu, tro và một lượng nhỏ đất vừa phải” - ông Sáu Na khuyên.
Ông còn lưu ý thêm: “Không nên bỏ quá nhiều đất vì nếu không biết mà tưới nước quá nhiều thì đất sẽ nở ra, bị nhão, nước không rút làm nghẹt rễ. Nếu chậu không có lỗ thoát nước, nước sẽ ứ lại làm úng cây. Người chơi phải cân bằng được lượng nước mỗi lần tưới vào để đảm bảo không quá nhiều cũng không quá ít nước. Bên cạnh đó, thao tác giâm, chiết cành để tạo giống cây mới cũng phải thực hiện kỹ càng vì nếu không biết cách sẽ làm chết mai, không tạo ra được nhánh mai mới”
Ông Sáu Na cho biết thêm vì thời tiết năm nay khá khó chịu nên mai nở sớm. Để cứu vãn tình hình, các chủ vườn lựa chọn giải pháp bơm thuốc vào để cứu vãn nhưng khi đó, mai sẽ không còn đẹp tự nhiên nữa. Dấu hiệu để phân biệt mai có bơm thuốc hay không là khi nhìn vào cuống mai, nếu cuống mai ngắn tức là hoa đã được bơm thuốc để nở đúng ngày, khi hoa nở sẽ không bung cánh đều. Với những hoa có cuống dài, mỏng kiểu tự nhiên thì đó là hoa không bơm thuốc.
“Từ khoảng 16-17 âm lịch, khi quan sát, nếu thấy búp mai có những vảy đen bao phủ phía ngoài, búp nhỏ thì kịp tết nở nhưng đã ra cánh trắng thì khoảng chừng đến 25 hay 26 âm lịch là mai đã trổ hết và không còn đẹp nữa” - ông Sáu Na nói thêm.
Nhiều chọn lựa cho người chơi mai Ông Sáu Na cho biết nhiều người không có nhu cầu mua mà chỉ mướn mai để chơi tết. Người mướn mai phải tuân thủ quy định mà chủ vườn đặt ra. “Người mướn phải cam kết là một ngày đảm bảo tưới mai hai lần; cách 30 phút phải đem mai ra để tưới nước, đảm bảo đủ ánh sáng để cây được tốt. Nếu người mua vi phạm thì sẽ phải bồi thường theo giá thỏa thuận giữa hai bên” - ông Sáu Na cho biết. Giá mướn tùy thuộc vào cây to hay nhỏ, chất lượng và giống cây mà hai bên sẽ thỏa thuận. “Giá dao động từ 8 triệu đến 10 triệu cho một cây trong suốt kỳ tết là khoảng 8-10 ngày” - ông Sáu Na thông tin. Với những người có nhu cầu bán lại mai sau dịp tết, các chủ vườn đều có thể thu mua lại với giá thấp hơn. “Chúng tôi sẽ thu mua lại để giữ giống cho những mùa tết sau nhưng nếu muốn bán lại thì người chơi phải mang mai ra từ ngày mồng 5 thì chúng tôi sẽ mua. Vì nếu người chơi giữ mai lâu quá, nhiều người không biết cách chăm sóc hay không đảm bảo đủ quy trình khiến cây mai chết thì sẽ khó để chúng tôi tiếp tục nuôi sống nó được” - ông Sáu Na nói. Ông Sáu Na còn cho biết thêm có trường hợp người chơi mai xong mang mai đến nhờ chủ vườn chăm sóc để đến mùa tết sau lấy lại cây mai đó. “Kiểu như họ trả tiền rồi nhờ mình chăm giúp. Trường hợp này, các chủ vườn thường phải lưu lại số điện thoại, thông tin cá nhân và gắn trên cây mai để làm dấu. Nếu trong thời gian mình bảo quản giúp họ mà làm hư hay cây chết thì mình phải đền lại cây khác. Về việc này, nhận nuôi hay không nuôi là quyền của chủ vườn” - ông Sáu Na nói. |