Nghị quyết 98 giải quyết những vấn đề rất thiết thực của TP.HCM

(PLO)- Nghị quyết 98 giúp TP.HCM giải các bài toán về đường sắt đô thị, thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhân tài...

Ngày 26-9, Hội đồng Lý luận Trung ương và UBND TP.HCM đã tổ chức tọa đàm mô hình quản lý phát triển xã hội thông qua các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do GS-TS Phạm Văn Đức, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng đoàn.

toa-dam-nq98.jpg
Hội đồng Lý luận Trung ương và UBND TP.HCM đã tổ chức tọa đàm vào ngày 26-9. Ảnh: HÀ THƯ

Tại tọa đàm, các thành viên của đoàn công tác đã đặt ra nhiều băn khoăn về việc thực hiện các mô hình như chính quyền đô thị, TP trực thuộc TP (TP Thủ Đức) và các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội tại thực tiễn TP.HCM.

Khi TP.HCM được Trung ương cho cơ chế, chính sách đặc thù thì TP cũng phải phân cấp, uỷ quyền cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ. Bởi việc không giao cơ chế cho cấp dưới khiến "anh em phải xin chỉ đạo", tạo sự phức tạp khi điều hành mô hình chính quyền đô thị.

PGS.TS TRƯƠNG NGỌC NAM, Nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Những băn khoăn này đã được các sở, ngành TP giải đáp, làm rõ, hỗ trợ cho đoàn công tác thực hiện đề tài nghiên cứu.

Trong đó, liên quan việc Nghị quyết 98, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Phạm Trung Kiên nhìn nhận Nghị quyết này là khởi nguồn từ TP.HCM. Tất cả cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98 đều xuất phát từ khó khăn từ các cơ quan tại TP. Khi trình ra Trung ương, ở góc độ của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như ĐBQH thì Nghị quyết mới được gọt giũa lại, làm rõ những gì không thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc những vấn đề quá nhỏ, không có tính đại diện. Từ đó, có Nghị quyết 98 như hiện nay.

Ông Kiên khẳng định Nghị quyết 98 rất cụ thể, giải quyết những vấn đề rất thiết thực của TP.HCM.

Chẳng hạn về mô hình TOD, bao năm qua, TP gần như chỉ làm một tuyến đường sắt đô thị (Metro), tuyến thứ hai chỉ trong quá trình chuẩn bị.

“Nếu tiếp tục với cách làm này thì có thể không bao giờ hoàn thành được hệ thống đường sắt đô thị TP, kể cả về nguồn lực lẫn thủ tục, vì chúng ta đi vay nước ngoài, nhiều vấn đề liên quan đến nhà tài trợ, thủ tục, nhà thầu, công nghệ…” - ông Kiên nói và khẳng định với mô hình TOD từ Nghị quyết 98 cho phép TP có thể được điều chỉnh quy hoạch, lấy tiền đầu tư công, thu hồi đất, tổ chức đấu giá đất công khai để lấy tiền làm đường sắt.

“Đó là cơ chế rất vượt trội, đặc thù, tận dụng tất cả quy định hiện hành để làm” - ông Kiên nói.

toa-dam-nq98.jpg
Nghị quyết 98 được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ thống Metro. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ngoài ra, Nghị quyết 98 cũng cho TP cơ chế lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nhanh gọn, chắc chắn. Theo ông Phạm Trung Kiên, TP.HCM có nhiều nhà đầu tư vào nhưng đến khi nói “cái này phải đấu thầu trong 1-2 năm” thì hầu như các nhà đầu tư đều đi hết.

Hay cơ chế thu hút người tài, nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề đặc thù của TP lớn đã được Nghị quyết 98 “xử lý”. Ông Kiên nhìn nhận mức thu nhập chênh lệch quá nhiều giữa khối tư nhân và khối nhà nước khiến cán bộ khó gắn bó. Trong khi thu nhập 8-10 triệu tại các tỉnh có thể giúp cán bộ sống tốt thì với TP thì khó để ổn định.

Cùng nhau tháo gỡ giúp TP.HCM phát triển

Kết luận tọa đàm, GS-TS Phạm Văn Đức, Trưởng đoàn công tác, nhìn nhận buổi toạ đàm đã trao đổi tập trung về cơ chế đặc thù cho TP. Qua đó, đoàn công tác đã có nhiều ý kiến, cách nhìn năng động từ thực tiễn của TP.

Theo GS Đức, đây tuy là vấn đề đặt ra từ TP nhưng cũng là vấn đề chung của cả nước. “Từ góc độ lý luận, chúng tôi sẽ có kiến nghị với Trung ương để cùng nhau tháo gỡ cho các vấn đề từ thực tiễn của TP, giúp TP ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của đất nước” - GS Đức nói.

Ông cũng nhìn nhận những gì cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của TP thì phải tháo gỡ. “Cơ chế là do con người làm ra nhưng khi đã hình thành thì nó trói buộc con người lần nữa, xoá bỏ một cơ chế vô cùng khó” - GS Đức nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm