Nghĩ từ 3 huy chương Olympic của Philippines và TTVN đi muộn

1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, Philippines vượt lên Indonesia, Thái Lan và Malaysia, bốn quốc gia có huy chương của thể thao Đông Nam Á tại Olympic Tokyo. Điều đáng nói là Philippines gửi đoàn võ sĩ gồm bốn VĐV quyền Anh thì ba VĐV có huy chương, trong đó có 2 HCB, 1 HCĐ.

Philippines cử bốn VĐV dự bốn hạng cân và đoạt ba huy chương, đứng đầu Đông Nam Á. Huy chương còn lại là HCV cử tạ. Ảnh: GETTY IMAGES 

Chẳng phải ngẫu nhiên. Philippines là quốc gia có quyền Anh, bóng rổ được chuộng nhất. Quyền Anh Philippines phổ biến từ gần thế kỷ nay. Các sàn đấu chuyên nghiệp diễn ra thường xuyên mấy chục năm qua. Tuy nhiên, quan trọng hơn là Philippines biết đầu tư vào hạng cân nào ở sân chơi Olympic để “săn” huy chương. Đó là những hạng cân nhẹ, phù hợp với thể trạng lẫn sức chịu đựng của người Đông Nam Á và họ đã thành công. Con số bốn võ sĩ quyền Anh tham dự Olympic mang về ba huy chương bất kể màu gì quả là đáng khâm phục.

Nghĩ từ sự đầu tư của Philippines trong môn quyền Anh và chiến lược săn huy chương lại tiếc cho Việt Nam từng rất phát triển môn quyền Anh nhưng rồi từ phía Tổng cục TDTT những năm cuối 1980 sang 1990 đưa lệnh cấm khiến nhiều lò quyền Anh, nhiều võ sĩ chỉ còn biết tập cho khỏe. Quyết định của người đứng đầu khi ấy từng gây tranh cãi và đáng tiếc là những người có chuyên môn, những cánh tay trợ lý đã không phản biện lại mà chỉ y lệnh và răm rắp tuân theo.

Đến khi quyền Anh Việt Nam trở lại thì đã chậm chân rất xa so với khu vực. Thực lực và cơ địa của người Việt Nam có thể làm nên chuyện các môn chiến đấu tại đấu trường Olympic theo dạng hạng cân hoặc ít tính đối kháng. Điển hình như huy chương Olympic đầu tiên của Việt Nam đến từ môn taekwondo ở hạng cân của Trần Hiếu Ngân hay huy chương tiếp theo của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn cũng là môn đấu ở hạng cân phù hợp. Gần đây hơn là bắn súng của Hoàng Xuân Vinh. Tất nhiên, ngoài chuyện phù hợp thể trạng, cơ địa… còn vấn đề quan trọng không kém là sự đầu tư lẫn định hướng, chiến lược.

Cũng từng có những tranh luận giữa việc đấu trong ao làng Đông Nam Á để gặt thật nhiều huy chương và đấu ở sân chơi thế giới thì chọn cái nào.

Tiếc là nhiều người vẫn chọn cái dễ ở ao làng, cái ăn ngay và dễ có báo cáo thành tích ngay, còn chuyện dài hạn ở Olympic là chuyện của những nhiệm kỳ khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm