Một nghiên cứu được công bố ngày 15-8 trên tạp chí Nature Food cho thấy nếu chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga nổ ra có thể khiến hơn 5 tỉ người chết đói. Nguyên nhân chủ yếu là do khói bụi từ các vụ nổ thâm nhập vào bầu khí quyển và chặn ánh sáng mặt trời đến trái đất, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.
Khác với phần lớn suy đoán hiện tại tập trung vào sự khủng khiếp của các vụ nổ hạt nhân, nghiên cứu này cho thấy ác mộng thực sự sẽ đến trong những năm sau xung đột do mất mùa và nạn đói trầm trọng.
Nghiên cứu lập luận rằng, sự sụp đổ của chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng địa phương cộng với tác động của “mùa đông hạt nhân” sẽ làm nhiệt độ trái đất giảm xuống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp.
Mô hình “Mùa đông hạt nhân” do các nghệ sĩ dựng nên. Ảnh:RT |
Mô hình khí hậu trong nghiên cứu cho thấy gió sẽ thổi những đám mây khói bụi bay đến các quốc gia khác, trong đó có các nước sản xuất lương thực lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức và Anh, hậu quả là nguồn cung lương thực thế giới giảm 90%.
Mỹ và Nga đều là hai nhà xuất khẩu lương thực lớn. Nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ sẽ làm suy yếu hoặc tệ hơn là phá hủy hoàn toàn năng lực sản xuất lương thực của hai quốc gia này. Hậu quả là các nước dựa vào nhập khẩu lương thực từ hai cường quốc này sẽ rơi vào nạn đói trầm trọng.
Theo ông Alan Robock, GS khoa học khí hậu và đồng tác giả nghiên cứu, “dữ liệu từ nghiên cứu nhắc nhở chúng ta rằng: phải ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra”.
Để tận diệt loài người ngay lập tức phải cần một kho vũ khí khổng lồ, nhưng để tạo ra hiểm họa lâu dài thì một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa các quốc gia ít vũ khí cũng đủ gây ra khủng hoảng.
Giả sử chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan diễn ra, cuộc chiến này sẽ gây ra tình trạng thiếu lương thực và làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu dự đoán, nếu cuộc chiến này xảy ra có thể khiến khoảng 2 tỉ người chết đói, làm sụt giảm 7% sản lượng nông nghiệp toàn cầu. Hậu quả của nó tồi tệ hơn bất kỳ mô hình khủng hoảng lương thực nào từng được Liên Hợp Quốc công bố.