Ngồi nhà mở tài khoản ngân hàng trong 1 phút

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 16/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. 

Từ nay khách hàng có thể ngồi ở bất cứ đâu cũng có thể mở 
tài khoản thanh toán ngân hàng. 

Điểm mới nhất tại thông tư này là chính thức cho phép cá nhân mở tài khoản thanh toán mà không cần phải trực tiếp có mặt tại các ngân hàng như trước đây nhờ phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC). 
Hạn mức giao dịch 100 triệu đồng/tháng 
Thông tư 16/2020 nêu rõ: Các ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử và chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh.
Đáng chú ý, các ngân hàng căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử. Tuy nhiên, phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng. 
“Trong một số trường hợp như đã qua xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản, hay đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân… thì được phép áp dụng hạn mức cao hơn” - thông tư lưu ý.
Quy định mới này giúp đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi cho khách hàng. Chị Phương Dung, nhân viên văn phòng tại quận Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ: Trước đây muốn mở tài khoản thẻ, thông thường chị phải mất 2-3 tiếng gồm cả thời gian đi lại. Có khi phải mất nửa ngày chỉ để làm mỗi việc mở tài khoản ngân hàng. Nhưng giờ đây đã có một số ngân hàng áp dụng việc mở tài khoản từ xa cho khách hàng như MBBank, HDBank, VPBank, Sacombank… 
Điều này giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian lẫn công sức. “Trước đây, mỗi lần mở tài khoản phải ra tận ngân hàng để xếp hàng bốc số, chờ đến lượt rất lâu. Nay có thể ngồi tại nhà mở tài khoản mà chỉ cần qua một số bước xác thực trên điện thoại di động” - chị Dung cho hay.
Một số khách hàng khác cũng cho hay thời gian qua, một số ngân hàng cho phép đăng ký mở tài khoản thanh toán online, song sau đó khách hàng vẫn phải đến hội sở của ngân hàng để hoàn tất các thủ tục xác minh. Nay với quy định mới, khách hàng được mở tài khoản từ xa, không phải đi lại nên tiết kiệm thời gian, chi phí, nhất là với những người bận rộn hay ở vùng sâu, vùng xa.

Bước đột phá

 TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: Thông tư 16 được ban hành thực sự là bước đột phá lớn trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng số đến các khách hàng chưa có giao dịch với các ngân hàng hoặc giao dịch ở mức độ thấp. 

“Đối với ngân hàng thì thông tư này mở ra hệ sinh thái mới, giúp hệ thống giao dịch tài chính đa dạng hơn, đồng thời cũng giúp họ tiết kiệm nguồn lực, nhân lực” - ông Minh bình luận. 
 

Ngân hàng tung chiêu hút khách
Thời gian gần đây đã có một số ngân hàng áp dụng thử nghiệm phương thức điện tử để mở tài khoản từ xa cho khách hàng. Do vậy, ngay khi Thông tư 16 ban hành, một số ngân hàng đã nhanh tay tung ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới và được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng công nghệ số. 
Chẳng hạn, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam chính thức ra mắt ứng dụng ngân hàng thuần số hoàn toàn mới TNEX không có chi nhánh, không có phòng giao dịch. Đặc biệt, ngân hàng này cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên điện thoại thông minh với công nghệ định danh điện tử. 
Như vậy, thay vì tốn công sức di chuyển, xếp hàng tại các phòng giao dịch truyền thống, giờ đây khách hàng chỉ cần hai bước xác thực đơn giản trong chưa đầy 1 phút. Đồng thời với ứng dụng ngân hàng số này, khách hàng được miễn hoàn toàn phí chuyển khoản, phí rút tiền, phí thường niên, phí quản lý tài khoản, chi phí ẩn.
Tương tự, VPBank cũng triển khai dịch vụ mà theo đó khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần đăng nhập vào website của ngân hàng, điền thông tin theo những bước chỉ dẫn cụ thể. Sau khoảng 1 phút sẽ nhận ngay số tài khoản ngân hàng của mình thông qua email đã đăng ký để tiến hành giao dịch.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ nâng cấp dịch vụ mở tài khoản doanh nghiệp online với việc ứng dụng công nghệ định danh khách hàng điện tử cho phép vượt qua mọi rào cản địa lý và thời gian. Công nghệ này giúp nhận diện khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học, giúp việc tạo tài khoản nhanh hơn, an toàn hơn” - đại diện ngân hàng này cho biết. 
Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc vận hành Payoo, cho rằng để triển khai giải pháp công nghệ định danh điện tử hiệu quả nhất, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng các kho dữ liệu mở hoặc các dịch vụ cho phép kiểm tra tính chính xác về thông tin công dân. Ví dụ như CMND/CCCD hay các thông tin sinh trắc học như khuôn mặt, vân tay...
“Nếu có được nguồn dữ liệu hay dịch vụ này, các ngân hàng cũng như tổ chức tài chính có thể dễ dàng kiểm tra, đối chiếu để xác định danh tính khách hàng hơn” - ông Anh nhận định.•

 Phải có biện pháp bảo vệ khách hàng

 Thông tư 16/2020 quy định rõ: Các ngân hàng phải cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử.

Các ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng để mở tài khoản thông qua phương thức điện tử như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói…

Đồng thời, phải có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán. 

Tiệm tạp hóa hưởng lợi

 Ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm thẻ ngân hàng Sacombank, cho biết thêm: Việc kết hợp giữa triển khai công nghệ tap to phone - chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động với công nghệ định danh điện tử tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng. 

Ví dụ, các chủ tiệm tạp hóa, chủ sạp chợ truyền thống không cần đến ngân hàng ký tá rất nhiều giấy tờ vẫn có thể mở tài khoản thanh toán và thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt một cách dễ dàng. Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm