Tổng cục Thuế: Cung cấp thông tin tài khoản NH không khó
Chiều 1-12, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) họp báo về Nghị định 126/2020. Dù đến ngày 5-12 mới có hiệu lực nhưng nghị định này đã thu hút dư luận mấy tuần nay liên quan đến quy định ngân hàng (NH) phải cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế và cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 75% vào cuối quý III hằng năm.
Ngành thuế khẳng định không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng. Ảnh: THÙY LINH
Chỉ yêu cầu trong trường hợp cụ thể
Sau khi đại diện Tổng cục Thuế giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 126/2020, báo chí đặt câu hỏi về quy định buộc các NH thương mại (NHTM) phải cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế để chống thất thu thuế. Vấn đề là làm sao biết được giao dịch nào qua mạng, giao dịch nào không để thu thuế. Nếu việc rà soát thuế trên tài khoản làm cho người mua kẻ bán sợ, chuyển qua dùng tiền mặt để không phải đóng thuế thì sao.
Mặt khác, báo chí cũng dẫn ra rằng có nhiều NHTM nói khó cung cấp thông tin khách hàng, hoặc giả một số cá nhân chưa có mã số thuế hoặc cố tình cung cấp sai thông tin thì sẽ thế nào.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng: Cơ quan thuế có thể cung cấp họ tên, mã số thuế… để các NHTM kiểm tra. Vả lại, theo thông lệ thì NHTM luôn yêu cầu người mở tài khoản cung cấp thông tin. “Tổng cục Thuế sẽ hợp tác với NHTM để quản lý cơ sở dữ liệu, bảo mật” - ông Minh nói.
Ông giải thích việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và NHTM là để định danh tài khoản mà thôi. Mặt khác, nội dung cung cấp thông tin thì không có gì mới. Năm 2016, các NHTM có hoạt động thanh toán với NH của Mỹ đã kiến nghị NH Nhà nước (NN) ký hiệp định trao đổi thông tin tài khoản cá nhân, các giao dịch về tài sản của những người sinh sống, cư trú tại Mỹ. Hiệp định đó giờ vẫn có hiệu lực.
“Từ năm 2016, các NHTM đã có khả năng theo dõi, cung cấp các thông tin tài khoản. Tôi nghĩ việc Chính phủ yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản của các cá nhân trong nước không có gì quá khó khăn. Hiện ngành thuế chỉ yêu cầu cung cấp trong một số trường hợp cụ thể” - ông Minh khẳng định.
Báo chí đặt câu hỏi rằng nếu việc cung cấp thông tin tài khoản chủ yếu là tài khoản thanh toán, vậy các thanh toán qua trung gian như tiền điện tử bitcoin thì sẽ thế nào. Ông Minh nói thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích, còn bitcoin thì thuộc lĩnh vực NH và NHNN phải kiểm soát. Ngành thuế thì không ngăn chặn nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất.
“Nguyên tắc tự khai, tự nộp thì ngành thuế luôn hỗ trợ. Người giao dịch kinh doanh phải tuân thủ luật pháp” - ông Minh nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán (Tổng cục Thuế), bổ sung: Những người trốn tránh thuế qua bitcoin thì thuộc trách nhiệm của NHNN, cơ quan thuế sẽ có biện pháp để quản lý, truy thu. “Nếu anh là một giao dịch mạnh mẽ thì anh sẽ không thể ẩn danh được” - bà Hải nói.
Không cung cấp toàn bộ tài khoản
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, chứ không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản NH của khách hàng.
Cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự; không yêu cầu NH cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng.
“Việc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra. Vấn đề này đơn vị tiếp nhận, nghiên cứu và báo cáo cụ thể” - ông Minh nói.
Thu thuế từ Netflix, YouTube, Google?
Việc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản NH cho cơ quan thuế có lẽ cũng liên quan tới các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ, hàng hóa trong thương mại điện tử.
Ông Minh nói hiện theo quy định thì các công ty nước ngoài giao dịch phải thực hiện khấu trừ thuế, nếu các công ty này không đăng ký thì ngành thuế sẽ yêu cầu các NHTM rà soát, khấu trừ.
“Với YouTube hay quảng cáo, trò chơi điện tử không gian mạng…, chúng tôi sẽ thông qua trung tâm giám sát để nắm thông tin các cá nhân nhận được tài khoản chi trả từ nước ngoài, đề nghị họ kê khai nộp thuế. Nếu không sẽ mời lên để trao đổi” - ông Minh nói.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: CL
Theo ông, khi thấy có các dòng tiền biến động thì cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu các NHTM cung cấp giao dịch của các tổ chức nước ngoài cho các cá nhân này. “Với các thông tin Facebook, Google, tổ chức chi trả cho các cá nhân ở Việt Nam thì các NHTM đều có thể cung cấp được” - ông Minh nói.
Báo chí đặt vấn đề xem Tổng cục Thuế đã làm việc với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử hay chưa; kết quả kiểm soát kinh doanh thương mại điện tử và số thu từ Facebook, YouTube, Google, Agoda… thế nào. Hoặc trường hợp cá biệt như “Bà Tân Vlog” cơ quan thuế có thu được đồng nào không.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nói sẽ có thông tư hướng dẫn Nghị định 126 cho các công ty kê khai, thu thuế. Đối với Netflix, YouTube, Google… thì cơ quan thuế, kể cả kiểm toán đã có kế hoạch làm việc “để họ hiểu và thực hiện”. Ông Minh nói tinh thần chung là nghĩa vụ thuế phải thực hiện theo đúng quy định. Các công ty phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi có giao dịch xuyên biên giới với Việt Nam.
Ông Minh cũng cho hay: “Đối với các hoạt động thương mại điện tử như bà Tân Vlog ở Bắc Giang được xác định là doanh nghiệp và nộp thuế bình thường”.
Tuy vậy, Tổng cục Thuế cũng thừa nhận hiện khó quản lý các thanh toán của cá nhân cho Netflix, YouTube, Google nên cần tiếp tục rà soát, kiểm tra. “Chúng tôi thường xuyên nhận được báo cáo về chống rửa tiền. Hiện nay, nhiều nơi hợp thức hóa thanh toán bằng nộp tiền vào NHTM rồi rút ra, rủi ro rất lớn” - ông Minh nói.•
Nộp thuế thừa không được tính lãi
Một trong những quy định gây tranh cãi và lo ngại cho các nhà kinh doanh là quy định về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ba quý. Theo đó, tại Điều 8 Nghị định số 126/2020 quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của ba quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.
Trong trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp ba quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu, kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý III đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế nói đây là quy định ở Luật Quản lý thuế số 38/2019: “Thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện tạm nộp theo quý và quyết toán thuế theo năm”.
Báo chí đặt vấn đề giả sử doanh nghiệp nộp thừa thuế thì có được tính lãi hay không. Ông Minh nói tiền thừa sẽ được bù trừ các khoản khác hoặc hoàn lại, còn chưa có quy định tính lãi đối với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp mà nhà kinh doanh nộp thừa.