Nhiều người dân đến từ rất sớm ngồi hai bên đường, dọc sông chờ đợi suốt nhiều giờ liền để chờ đón linh cữu Chủ tịch nước, mặc cho trời đổ mưa.
Chiếc linh xa chở di hài Chủ tịch nước lăn bánh chầm chậm, dừng lại những nơi từng gắn bó với tuổi thơ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang như Trường THPT Kim Sơn B, căn nhà ở xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn… như để cho người đã khuất “nhìn” lần cuối. Khi chiếc linh xa tiến về phía ngôi mộ nằm đối diện với ngôi nhà gắn bó nhiều năm với tuổi thơ của Chủ tịch nước, nhiều người dân nơi đây đã rơi nước mắt.
Rất đông người đã khóc khi lễ hạ huyệt bắt đầu…
Trong lời phát biểu cảm ơn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, thay mặt Ban tổ chức lễ tang và gia quyến gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lão thành cách mạng, các ban, bộ, ngành địa phương, nhân dân… đã bày tỏ niềm tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bà Trần Thị Mỳ rơi nước mắt khi kể về những năm tháng khó khăn của gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Đ. TRUNG
Trong nền nhạc trầm buồn Hồn tử sĩ, bà Nguyễn Thị Hoài ở xóm 13 tâm sự: “Chúng tôi thật sự đau xót trước sự ra đi quá sớm của Chủ tịch nước. Ông ấy là người được nhân dân địa phương chúng tôi tin yêu, kính trọng. Một người nhân hậu, chăm lo cho người dân, những người khó khăn của địa phương. Ông ấy còn là tấm gương sáng cho các thế hệ, các cháu thiếu nhi học tập”.
Bà Trần Thị Mỳ (83 tuổi), ngụ xóm 3, Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình), ngồi lặng nhìn về nơi Chủ tịch nước Trần Đại Quang an nghỉ. Bà kể: “Thuở nhỏ bà thường cùng mẹ của Chủ tịch nước chèo thuyền qua sông Phát Diệm lên chợ mưu sinh. Mẹ của Chủ tịch là người rất nhân hậu, ân cần, luôn niềm nở, được người dân địa phương rất yêu quý. Có lần mẹ của Chủ tịch cùng tôi lên chợ huyện, khi bà gặp trẻ con, bà dừng lại cho chuối, có khi bán rẻ cho người nghèo khó”.
Bà Mỳ cho hay mẹ của Chủ tịch nước từng nói: “Quả trên trời, ăn đi cho đỡ đói”, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh bà ân cần với trẻ nhỏ hay là bất kỳ ai. Mình bà phải gồng gánh nuôi các con ăn học. Sau này Chủ tịch lớn lên cũng giống bà, khuôn mặt nhân hậu, học giỏi có tiếng khắp vùng. Nhưng thật không ngờ Chủ tịch lại bị bệnh hiểm nghèo qua đời quá sớm khiến người dân chúng tôi xót thương vô hạn” - bà Mỳ quay đi gạt những giọt nước mắt xúc động lăn trên gò má...
Bà Đỗ Thị Thuận, một người dân ở TP Ninh Bình, xúc động: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ mãi mãi là niềm tự hào của người dân Ninh Bình chúng tôi, là tấm gương sáng ngời để con cháu chúng tôi học tập… Bác về nhà rồi, về với quê hương yên bình, với đất mẹ rồi. Cầu mong linh hồn bác ấy siêu thoát…” - giọng bà chùng xuống.