Từ quốc lộ 10, con đường bê tông dẫn vào làng Lạc Thiện nơi Chủ tịch nước sinh ra và lớn lên, nhiều người dân đã không cầm được nước mắt chia sẻ về những kỷ niệm, những lần Chủ tịch nước về thăm quê nhà.
Người dân đau đớn nghe tin Chủ tịch mất
Bà Nguyễn Thị Hải (60 tuổi) khóc chia sẻ: Khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, bà nghẹn không thở được, bởi cách một ngày vẫn còn thấy Chủ tịch trên ti vi.
“Chủ tịch nước lớn lên trong một gia đình nghèo khó, hằng ngày mẹ của Chủ tịch thường đội chuối ra chợ huyện để mưu sinh nuôi mấy anh chị em trong gia đình. Mẹ Chủ tịch là người nhân hậu, hiền lành. Có lần bà mang chuối đi bán nhưng gặp trẻ con, bà bẻ ra cho các cháu nhỏ nên được mọi người rất yêu quý” - bà Hải nói.
Bà cho hay: Từ ngày bác Quang làm bộ trưởng Bộ Công an rồi Chủ tịch nước, khi về thăm quê bác đều hỏi thăm, động viên, chia sẻ với người dân về những khó khăn. Mỗi dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán bác đều gửi quà cho các cháu thiếu nhi, đặc biệt đối với những gia đình là hộ nghèo thì bác tặng xe đạp cho các cháu để có phương tiện đến trường. “Sự ra đi của Chủ tịch, với người dân chúng tôi là một nỗi đau quá lớn, thật sự không thể tin được vì mới vài hôm trước còn thấy bác mà giờ bác đã ra đi thật rồi” - bà Hải nói và gạt vội những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má khô khốc của mình.
Người anh, người bạn hết lòng vì dân
Ông Vũ Mạnh Hùng, một hàng xóm sống gần nhà Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chia sẻ: Mỗi năm Chủ tịch nước đều về thăm quê, mỗi lần về làm giỗ cho bố mẹ thì Chủ tịch dành thời gian thăm hỏi người dân địa phương, nhất là khi bác Quang còn làm bộ trưởng Bộ Công an. Sau này bác làm Chủ tịch nước thì ít về hơn nhưng mỗi lần về bác đều dành thời gian thăm người dân địa phương.
Hiện nay ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ Chủ tịch nước đã thành nhà thờ, còn người anh thì sống ở một xã khác trong huyện Kim Sơn cũng thường xuyên về đây dọn dẹp, hương khói cho bố mẹ của bác Quang. “Người dân quê chúng tôi tự hào về bác Quang, người suốt đời cống hiến cho đất nước” - ông Hùng nói.
ông Phạm Văn Lượng, người dân xã Quang Thiện chỉ tay về phía cột phát sóng nói phía dưới là ngôi nhà của Chủ tịch nước. Ánh mặt trời dần khuất sau những nếp nhà ngói mang màu thời gian của buổi chiều hoàng hôn đượm buồn. Ông Phạm Văn Lượng cho biết: “Ngày trước gia đình của Chủ tịch khó khăn lắm, bố mẹ Chủ tịch tần tảo, hiền lành, sống yêu thương mọi người, vì thế các anh em nhà Chủ tịch cũng sống rất nhân ái. Sau này Chủ tịch đi học rồi ở lại công tác Hà Nội nên cũng không có dịp gần gũi nhiều nữa nhưng cứ mỗi lần Chủ tịch về quê nhà thì chúng tôi cảm thấy ấm áp lắm. Giờ Chủ tịch ra đi, người dân chúng tôi thấy như mất đi một người anh, một người bạn hết lòng vì quê hương, đất nước” - ông Lượng rưng rưng xúc động.
Cũng trong chiều 23-9, hàng ngàn người dân ở địa phương đã đổ về xóm 13, xã Quang Thiện chia buồn với gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Người dân địa phương cho biết sau khi nghe tin Chủ tịch qua đời, mọi hoạt động của địa phương gần như dừng lại hết để tập trung cho việc đón linh cữu của Chủ tịch nước.
Giữa những niềm tiếc thương vô hạn là niềm tự hào của người dân địa phương nơi sinh ra Chủ tịch nước Trần Đại Quang…