Những người giữ làng nghề trăm năm - Bài 1:

Người giữ nghề gốm Mỹ Thiện hơn 200 năm tuổi

(PLO)- Hơn 200 năm đỏ lửa nung gốm, đến nay làng gốm Mỹ Thiện chỉ còn lại một gia đình duy nhất ngày đêm đau đáu truyền nghề cho thế hệ mai sau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Quảng Nam – Quảng Ngãi là hai tỉnh liền kề nhau ở vùng Nam Trung Bộ, nơi đây từ xa xưa hàng trăm năm trước đã có nhiều làng nghề truyền thống tạo ra các hàng hoá đặc sắc được thương lái đến giao thương mua bán sầm uất. Đến nay, các làng nghề này dần bị mai một theo thời gian, chỉ còn rất ít các nghệ nhân, gia đình biết làm nghề.

Làng gốm hơn 200 năm

Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ ở Thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), qua nhiều lần rẽ ngoặt thì mới đến được căn nhà của Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (59 tuổi). Ông Trịnh cùng vợ con là gia đình cuối cùng còn nhào đất, đốt lò làm nghề gốm truyền thống của cha ông để lại.

Với lịch sử hơn 200 năm làm nghề gốm nơi đây, Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cho biết trên dải đất miền Trung nước ta có rất nhiều nơi làm nghề gốm, nhưng làng gốm Mỹ Thiện lại có những dấu ấn riêng biệt mà ít nơi nào có được. Vì thế, từ thời xưa, làng gốm Mỹ Thiện đã được thương lái khắp nơi đến mua bán cũng như được gọi vào Phủ Chúa Nguyễn để sản xuất các đồ gốm tinh xảo cho Chúa.

làng gốm mỹ thiện
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh kiểm tra lại chiếc cối sau khi phơi khô tự nhiên trong nhà.
 Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Ông Trịnh kể cách đây khoảng 200 năm trước, ông Tổ của gốm Mỹ Thiện nơi đây di cư từ Thanh Hoá vào phía Nam. Khi dừng chân ở đây, thấy điều kiện đất đai, khí hậu cùng vị trí địa lý thuận lợi nên đã xây dựng lò gốm.

Từ đó, người dân khu vực này được ông thuê làm nghề rồi dần dần truyền lại những kỹ thuật trong nhào nặn, tạo hình và nung để tạo thành sản phẩm gốm.

Qua thời gian, người này truyền người kia, con học cha, cháu học ông tạo thành một cộng đồng làm gốm và được đặt tên thành làng gốm Mỹ Thiện.

lang-gom-my-thien.jpg
Các sản phẩm có hoạ tiết độc đáo cùng màu sắc bắt mắt do làng gốm Mỹ Thiện sản xuất.
 Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Theo ông Trịnh, làng gốm Mỹ Thiện xưa kia rất phồn thịnh và tấp nập. Đỉnh điểm là những năm 1975, làng gốm được các thương lái đi thuyền từ khắp nơi đổ về mua bán, trao đổi hàng hoá. Nhiều lúc sức mua vượt quá mức sản xuất của làng nên phải giới hạn việc mua bán, chỉ ai có giấy kèm chữ ký của HTX thì mới được mua mang đi.

“Sản phẩm gốm Mỹ Thiện, đa dạng mẫu mã nên được nhiều thương lái săn đón đưa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước tiêu thụ”, ông Trịnh cho hay.

Quy trình kỳ công

Để làm ra một sản phẩm gốm cũng như một mẻ nung gốm phải mất rất nhiều thời gian công sức của người lao động.

Quy trình làm gốm ở làng gốm Mỹ Thiện bước đầu tiên chuẩn bị nguyên liệu, đất sét là nguyên liệu chính làm gốm và được phơi nắng mưa suốt 12 tháng để bay hết các chất khoáng trong đất. Sau đó, đất sét được đưa vào nhà, trộn thêm nước rồi nhào nặn đều. Khi đất đủ độ sệt thì sẽ tạo phôi và được nghệ nhân tiến hành tạo hình trên bàn xoay tròn cùng các vật dụng vẽ ra hoạ tiết sinh động.

lang-gom-my-thien-.jpg
Ba người trong gia đình ông Trịnh hàng ngày nhào nặn, nung gốm phục vụ nhiều đơn đặt hàng khắp các tỉnh thành. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Từ đó, các phôi hoàn chỉnh sẽ được để trong bóng mát khoảng 10 đến 20 ngày rồi bắt đầu xếp vào lò nung. Lò nung được nung trong vòng 72 giờ liên tục và tiếp tục ủ nóng 72 giờ tiếp theo sau đó mới mở lò xuất xưởng.

Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, khẳng định Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh rất yêu nghề gốm và có sự sáng tạo trong việc phát triển bảo tồn gốm Mỹ Thiện. Từ việc kết nối với các đơn vị liên quan, nhiều khách du lịch đã biết và đến tham quan nghề gốm Mỹ Thiện.

Lý giải vì sao lại có thời gian nung và ủ lâu đến vậy, ông Trịnh chia sẻ đây là kinh nghiệm sau hàng trăm năm làm gốm mà nghệ nhân nơi đây học được.

“Vì xưa kia, các cụ chưa biết hết về tính chất hoá học của đất nên chỉ nung trong thời gian ngắn cùng việc điều khí trong lò chưa đều nên tỉ lệ sản phẩm sau khi nung bị nứt, hỏng rất nhiều. Sau này, có kinh nghiệm hơn nên đã tính toán nung lâu hơn và thêm ủ nóng để nhiệt độ giảm dần, tránh bị xung đột nhiệt độ. Có thời gian dài ở nhiệt độ cao nhằm cho gốm đạt độ bền tốt hơn”, nghệ nhân Trịnh khẳng định.

lang-gom-my-thien-pham-thi-thu-cuc.jpg
Bà Cúc dùng chân đạp bàn xoay, tay khéo léo tạo hình các phôi gốm. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ngồi cạnh bên là bà Phạm Thị Thu Cúc (54 tuổi) vợ ông Trịnh, đôi tay thoăn thoắt vừa tạo hình sản phẩm, miệng vừa trò chuyện.

Thời gian phát triển nên nhiều sản phẩm làm từ nhựa cạnh tranh với sản phẩm gốm nên người dân không còn mặn mà với gốm nữa. Vì thế, sau khi HTX giải thể, chỉ còn lại có năm hộ gia đình làm nghề gốm nhưng đến nay thì chỉ còn lại mỗi gia đình bà giữ nghề.

Gia đình cũng mong muốn có người học nghề để truyền lại nhằm giữ nghề cha ông nhưng không được. Một phần vì công việc nặng nhọc, một phần không có kinh tế kèm việc người học nghề cũng rất kén chọn, không phải ai cũng có hoa tay khéo léo để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh.

san-pham.jpg
Chưa đầy 5 phút, bà Cúc đã tạo ra một phôi gốm hoàn chỉnh. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

“Trước kia, đúng ra là một người đứng, dùng tay nhào khuôn đất ở trên bàn, đồng thời dùng chân đạp bàn xoay phía dưới đất. Dưới đất, là một người khác, với bàn tay khéo léo, uyển chuyển dùng phôi đất tạo thành các sản phẩm theo ý muốn. Nhưng giờ tôi vừa dùng chân đạp bàn vừa dùng tay tạo hình luôn”, bà Cúc cười nói.

Chỉ chưa đầy năm phút, đôi chân đạp bàn xoay tròn liên tục kết hợp với bàn tay khéo đã biến cục đất vô hồn thành một bình gốm đẹp mắt kèm các chi tiết ấn tượng.

Với đất sét, khi nung theo từng nhiệt độ khác nhau sẽ có màu sắc, vân hoa khác nhau. Nếu muốn có những màu xanh ngọc, hoặc màu đỏ thẫm thì nghệ nhân phải tìm tòi những cục đá màu có đủ yếu tố hỗ trợ lên màu về đập ra rồi nghiền nát, trộn với nước sau nhiều tiếng đồng hồ.

Từ đó, lấy nước phủ lên sản phẩm và đưa vào lò nung để đưa ra một sản phẩm có màu sắc độc đáo.

Mỗi sản phẩm do gia đình ông tạo ra được bán với giá từ 30 ngàn đồng đến hơn một triệu đồng tuỳ từng sản phẩm lớn nhỏ, độ tinh xảo khác nhau.

Cố gắng gìn giữ

Nói về việc mua bán các sản phẩm này, ông Trịnh cho hay, ngày nay chỉ có các bạn hàng đến đặt hàng, rồi bao tiêu chứ không có người dân mua bán lẻ nữa.

Hầu hết, sản phẩm sản xuất bây giờ là họ đến đặt hàng, đưa hình mẫu cho rồi đặt số lượng cụ thể. Gia đình sẽ nhận cọc rồi tiến hành sản xuất, đến khi ra lò thì bên mua sẽ cho người đến vận chuyển đi.

hoan-thien.jpg
Làng gốm Mỹ Thiện hơn 200 năm tuổi sẽ được ông Trịnh truyền nghề cho con trai giữ gìn.
 Ảnh: MINH TRƯỜNG.

“Các sản phẩm họ đặt tôi, chủ yếu là phục vụ của các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có xu hướng gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường”, ông Trịnh bày tỏ.

Đến nay, vợ chồng ông Trịnh cũng vừa nhận làm sản phẩm theo đặt hàng và vừa chỉ dạy cho người con trai học nghề, mong rằng sẽ nuôi dưỡng được một hạt mầm lưu truyền lại làng gốm Mỹ Thiện 200 năm của cha ông.

Ông Lê Hồng Khánh, Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết theo một số tư liệu văn tế và truyền ngôn dân gian thì cách đây hơn 200 năm, các ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất từ Thanh Hóa cùng gia đình vào định cư ở Quảng Ngãi, dựng những lò nung đầu tiên khai mở làng gốm Mỹ Thiện, bên bờ sông Trà Bồng.

Đây là một trong số khá nhiều những làng gốm hưng vượng một thời, được ghi chép trong điều trần của quan Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác dâng lên vua Bảo Đại và sau đó được đăng tải lên tạp chí Nam Phong nổi tiếng vào năm 1933.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm