Anh Nguyễn Văn Thế, một người làm nghề sửa điện nước ngồi trong căn nhà thuê gần 18m2 trả lời câu hỏi của tôi về tình hình hiện tại bắt đầu bằng một tiếng thở dài, sau đó anh thõng thượt nói: "14 năm ở Hà Nội, chưa bao giờ tôi rơi vào thảm cảnh này". Thảm cảnh như anh đang kể, ít ra vẫn hơn rất nhiều người dân ở thủ đô và nhiều nơi khác trong dịch COVID-19.
“Sống mòn” trong phố
Anh Thế đến Hà Nội từ năm 2008, vật lộn từ nghề này sang nghề khác rồi cũng quyết định gắn bó với nghề sửa điện nước. “Ai hỏng hóc gì về điện, nước họ gọi thì mình đến sửa. Thu nhập lúc lên lúc xuống nhưng cũng đủ nuôi vợ con” - anh nói.
Vợ anh trước cũng làm kế toán cho một công ty, nhưng cũng nhiều năm nay chị ở nhà chăm đứa con nhỏ và làm nội trợ. Anh Thế là lao động chính cáng đáng cả tổ ấm của mình giữa Hà Nội sôi động.
Anh Nguyễn Văn Thế và con trai trong phòng trọ của mình. Ảnh: VT
Từ ngày Hà Nội “mắc dịch” và kiểm soát chặt việc đi lại, anh Thế ở nhà nhiều hơn. “Cũng có khách quen họ gọi nhờ đến sửa, nhưng vì xa nơi tôi ở nên cũng không dám đi lại” - anh giải thích.
Không có thu nhập, vợ chồng anh rút số tiền tích góp được nhiều năm để sống qua từng ngày. Cũng may, quê anh vốn là một vùng quê ven biển ở tỉnh Nghệ An, phần lương thực được mẹ anh chuyển từ quê ra cũng đủ cả gia đình cầm cự sống qua những ngày Hà Nội “chớm mệt”.
“Dù sao thì tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Cũng có một chỗ che mưa che nắng, cũng chưa phải ngửa tay để phải xin đồ từ thiện cầm cự sống qua ngày. Trên phố nhiều người còn khổ hơn, cứ nghĩ thế lại thấy cũng đỡ đi nhiều” - anh tâm sự.
Cũng gọi là có nơi che mưa, che nắng, nhưng một nhóm thợ gồm mấy chục con người ở cách đó không xa đang phải chật vật sống dưới một công trình xây dựng dang dở.
Tiến, được gọi là chủ thầu, người đứng ra nhận khối lượng từ công ty rồi giao cho mọi người làm. Từ khi Hà Nội cách ly xã hội, tất cả đều phải ở nhà. Tiến cùng với một người khác nữa đứng ra "xoay việc" lo lương thực cho từng ấy con người.
“Chật vật lắm anh ạ. Mỗi ngày tiền ăn cho mọi người phải tốn đến 2 triệu. Chúng em cũng không biết cầm cự được đến bao giờ, nhiều khi cũng phải tìm lên các nhóm hội để xin mọi người ủng hộ lương thực, thực phẩm” - Tiến nói.
Tiến cho tôi xem ảnh chụp bữa cơm thường ngày của mọi người, ở đó có một đĩa rau luộc, một đĩa cá khô rang mặn, một bát canh rau. Người nhiều tuổi nhất năm nay đã 57 tuổi, người ít tuổi nhất năm nay mới 23. Tất cả quây quần qua mâm con giản tiện ấy rồi “nhìn nhau mà gắp” như cách nói của ông chủ thầu.
Có hôm, các bà, các chị trong nhóm cải thiện bằng việc ra đồng bắt thêm ốc bươu vàng về đổi bữa. Ăn có ngon không? Tôi hỏi. Tiến cười: “Ngon chứ anh, ốc bươu vàng xào sả ớt ăn cũng được lắm”.
Nhưng sau bữa đó, sau khi nghe tin một người dân ra đồng đã bị giữ lại và phải nộp phạt vì ra đường trong trường hợp không cần thiết. Từ đó cũng chẳng ai dám ra đồng bắt ốc bươu vàng nữa.
Cá khô rang mặn, món ăn thường xuyên của hàng chục công nhân xây dựng trong mùa dịch. Ảnh: TH
Chạy ăn từng bữa
Từ Phú Thọ xuống Hà Nội được một thời gian gần đây, nhưng Hương, một bà mẹ trẻ có con nhỏ lên 2 tuổi đã trải qua hai mùa dịch ở Thủ đô. Trước khi Hà Nội cách ly xã hội, Hương chạy việc làm thêm trong chợ Đồng Xuân. Cô ở trong một khu trọ có 9 căn phòng, phần lớn mọi người đều là “đồng nghiệp” ở chợ Đồng Xuân.
“Chúng em đều mắc kẹt ở đây. Em xuống Hà Nội một mình nên cũng đỡ, ở đây có gia đình 2 gia đình có con nhỏ toàn dưới 1 năm tuổi, họ vất vả hơn nhiều” - Hương nói.
Thỉnh thoảng, có cá nhân hay nhóm hội nào đến trong ngõ đưa cho gói mì, cân gạo hay bó rau xanh, cả khu trọ lại chộn rộn hẳn lên. Khu vực nơi Hương ở do có nhiều ca dương tính nên đã bị phong toả, những hỗ trợ của mọi người càng trở nên đáng quý.
“Nhiều hôm chỉ cần chậm chân chút ra đã không còn gì. Có hôm em thấy em đi ra rồi tay trắng trở về, người ta nhường lại cho bông bắp cải, một bắp ngô cũng thấy ấm lòng” - Hường tâm sự.
Ở một góc khác của phố, người dân nơi đây quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông bế trên tay đứa con gái nhỏ đi lại xô lệch mỗi ngày. Người đàn ông đó tên là Đỗ Văn Chiến, từ Thái Bình anh bế con lên Hà Nội chật vật mưu sinh bẳng việc khuân vác cho các tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên.
Anh Chiến và con gái trên đường phố Hà Nội. Ảnh: VT
“Mỗi ngày tôi cũng kiếm được một vài trăm, hai cha con cũng dè dặt sống được” - anh nói. Con gái anh tên ở nhà là Bông, mẹ bỏ hai cha con đi khi Bông còn nhỏ. Công việc của anh Chiến lúc trước thường bắt đầu từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Bông cũng phải theo bố đến chợ, tiện đâu thì anh Chiến gửi con nhờ người trông hộ.
Từ khi Hà Nội có dịch, anh Chiến cũng thất nghiệp. Lúc này, anh sống hoàn toàn dựa vào những gói quà từ thiện từ mọi người ở khắp nơi. Không nhà, anh và cô con gái nhỏ vạ vật nơi phường phố, tối đến thì xin tắm ké ở nhà dân gần đó.
Câu chuyện của tôi và anh Chiến thỉnh thoảng lại bị Bông làm cho gián đoạn, có lúc Bông giật chiến khẩu trang ra khỏi mặt rồi chạy đi đâu đó để chơi trò trốn tìm với bố. Anh Chiến lại đi tìm con, người cha chỉ biết não nề nói: "Con ơi, đừng chạy nữa, bố mệt lắm rồi". Một chân anh Chiến bị thương, anh bước thấp bước cao đi theo con giữa phố vắng.
UBND TP Hà Nội vừa cho biết, thường trực HĐND thành phố đã đồng ý ban hành nghị quyết đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch COVID-19 chưa được quy định tại nghị quyết số 68 (gói 26.000 tỉ đồng). Theo rà soát của Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nội, dự kiến có trên 324.000 đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù của TP Hà Nội, tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỉ đồng. |