Ngày 5-11, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Công Trung (người đại diện theo ủy quyền của ông Trịnh Dân Cường) cho biết, ông Cường đã gửi đơn yêu cầu Công an quận 6, VKSND quận 6 ra quyết định đình chỉ điều tra để ông Cường làm căn cứ yêu cầu xin lỗi, bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Vụ án oan của ông Cường nhận được sự quan tâm của dư luận bởi ông Cường đã được xác định không liên quan tới vụ án trộm vàng nhưng vẫn mang thân phận bị can suốt 38 năm.
Theo đơn yêu cầu, ông Cường là người bị bắt oan trong vụ án trộm vàng trên đường Bãi Sậy, phường 7, quận 6 từ ngày 27-2-1985 đến ngày 3-12-1986. Từ đó đến nay, ông Cường liên tục khiếu nại và đòi ra quyết định đình chỉ điều tra nhưng chưa được giải quyết.
Theo Điều 78 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, quy định về điều khoản chuyển tiếp thì trường hợp của ông Cường được giải quyết.
Tháng 1-2023, ông Cường đã khởi kiện VKSND quận 6 để tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự.
Đến ngày 1-8-2023, vụ kiện đã được TAND quận 6 đình chỉ giải quyết với lý do các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện của ông Cường chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Ông Cường kháng cáo. Ngày 25-9-2023, TAND TP.HCM giữ nguyên quyết định đình chỉ của cấp sơ thẩm, vì theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 và điểm a Khoản 2 Điều 7 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, ông Cường phải có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này, tức quyết định đình chỉ điều tra để làm căn cứ được xin lỗi, bồi thường.
Theo ông Cường, từ ngày được trả tự do, ông phải sống trong cảnh tuổi nhục, gia đình từ bỏ vì cho rằng ông là phạm nhân. Cha của ông đã chết sau 20 ngày ông bị bắt tạm giam. Ông Cường phải mang thân phận bị can với sự miệt thị, nhục nhã.
Ông Cường làm đơn này mong cấp có thẩm quyền là Công an quận 6 và VKSND quận 6 ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông, để ông có căn cứ yêu cầu bồi thường, phục hồi uy tín, danh dự.