Các nhà hoạt động và người bị giam giữ cho biết điều kiện sống thấp tại trung tâm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhiều người, thậm chí dẫn đến tử vong. Từ năm 2006 đã có 13 người thiệt mạng trong điều kiện bị giam giữ, gần đây nhất là vào tháng 3-2017, một người gốc Việt đã tử vong.
Vào ngày 9-5 có khoảng 20 người tại Cục Nhập cư khu vực Tokyo đã tuyệt thực nhằm phản đối việc giam giữ và đối xử vô nhân đạo, các nhà hoạt động và người bị giam giữ cho biết. Đỉnh điểm là gần 100 người bị giam giữ đã biểu tình tuyệt thực tại một trung tâm di trú ở TP Nagoya, phía Tây Nam Tokyo.
Tuần này mọi người đã ngưng tuyệt thực vì cơ thể không chịu được và họ muốn thấy phản hồi tích cực từ chính quyền sau khi hành động phản đối đã thu hút được sự chú ý từ truyền thông.
Mitsuru Miyasako, người đứng đầu một nhóm hoạt động, cho biết: "Những người bị giam giữ tại trung tâm di trú Tokyo đã ngừng tuyệt thực vì tình trạng sức khỏe, thể chất và tinh thần trở nên tệ hơn”.
Người bị bắt giữ tại trung tâm tại trung tâm giam giữ nhập cư Tokyo, thuộc Cục Nhập cư khu vực Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
Shigeki Otsuki, một quan chức Bộ Tư pháp giám sát việc giam giữ người nhập cư, khẳng định cuộc biểu tình tuyệt thực đã kết thúc và cho biết chính quyền đã làm những gì có thể để cải thiện điều kiện sống tại trung tâm.
Reuters dẫn lời ông Otsuki: "Chúng tôi sẽ tiếp tục có phản hồi thích hợp như những gì đã làm trước đó và sẽ không thay đổi điều gì đặc biệt”.
Bốn người biểu tình tuyệt thực đã phải nhập viện, trong đó có một người vì nuốt một lưỡi dao lam, may mắn không để lại vết thương nguy hiểm tính mạng, một quan chức cho biết. Bốn người nhập viện hiện đã được đưa về trung tâm tiếp tục bị giam giữ.
Theo Reuters, một người bị giam giữ cho biết có khả năng sẽ có thêm nhiều cuộc biểu tình phản đối. "Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ lại tiếp tục biểu tình phản đối" - người này cho biết.
Năm ngoái, Reuters cũng đưa tin về cái chết của một người Sri Lanka tại một trại giam ở Tokyo. Vụ việc cho thấy những thiếu sót nghiêm trọng trong công tác điều trị và giám sát y tế tại trung tâm di trú.
Một quan chức chính phủ cho biết cơ quan di trú sẽ xem xét việc gia tăng nhân viên y tế. Vào tháng 4, một bác sĩ đã được điều đến làm việc vào các ngày trong tuần tại Trung tâm Di trú miền Đông Nhật Bản. Đây là trung tâm nơi một người Việt Nam đã qua đời hồi tháng 3. Hiện trung tâm này vẫn không có bác sĩ trực cả ngày.