Theo báo cáo mới nhất (ngày 10-1) của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng cuối cùng của năm 2017 đạt gần 27.900 xe, bao gồm hơn 14.600 xe du lịch; 11.900 xe thương mại và 1.400 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 14%; xe thương mại tăng 13% và xe chuyên dụng giảm 6% so với tháng trước.
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.047 xe, tăng 13% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.835 xe, tăng 11% so với tháng trước.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng tháng 12-2017 lại không cứu được tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường cả năm 2017 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 15%; xe thương mại giảm 2% và xe chuyên dụng giảm 12% so với cùng kì năm ngoái.
Tính đến hết tháng 12-2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 19% trong khi xe nhập khẩu tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán hàng ô tô năm 2017 giảm hơn so với năm 2016 nhưng được kỳ vọng xe tăng tốc mạnh trong năm 2018 khi giá xe rẻ hơn.
Năm 2017, nhà sản xuất ô tô chiếm thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam vẫn là Thaco với hơn 89.600 xe được bán ra, chiếm 35,8% thị phần nhưng giảm hơn 21% so với năm 2016.
Toyota là nhà sản xuất đứng vị trí thứ hai lại tăng nhẹ 4% so với năm trước cùng doanh số bán hàng hơn 59.350 xe, chiếm 23,7% thị phần. Đứng thứ ba vẫn là Ford với 28.600 xe, chiếm hơn 11% thị phần.
Với hàng loạt chính sách về ô tô bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2018, nhiều người kỳ vọng xe sẽ giảm giá so với năm 2017, thế nhưng những khó khăn về nhập khẩu, cũng như công bố giá xe của nhiều hãng vẫn mới chỉ giảm vài chục triệu đồng mỗi xe.