NHÂN NGÀY ĐIỀU DƯỠNG QUỐC TẾ 12-5:

Người xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân

(PLO)- Không chỉ tỉ mỉ chăm sóc những vết thương lở loét, điều dưỡng Phạm Thị Phương còn rất “mát tay” trong việc trấn an tinh thần các bệnh nhân.

Các bệnh nhân nằm viện lâu ở Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy (TP.HCM) hầu như đều quen thuộc với bóng dáng ân cần, dịu dàng của điều dưỡng Phạm Thị Phương.

Điều dưỡng Phạm Thị Phương tâm sự về nghề. Ảnh: HOÀNG LAN

Điều dưỡng Phạm Thị Phương tâm sự về nghề. Ảnh: HOÀNG LAN

Bị cuốn hút bởi những vết thương


Khoa bệnh nhiệt đới điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nhiễm trùng da, dị ứng thuốc nên bị lột da toàn thân… Mỗi ngày chị Phương luôn tay luôn chân chăm sóc, tắm, thay băng cho bệnh nhân để giúp họ vơi bớt nỗi đau. Chăm sóc cho các bệnh nhân, chị Phương cũng không ít lần bị lây bệnh ngoài da.

“Có bệnh nhân phải đứng thay băng mấy tiếng đồng hồ nhưng mình không cảm thấy ngại gì hết. Mình bị đứt da chút xíu đã thấy đau thì họ bị toàn thân sẽ đau đớn cỡ nào nên mình cố gắng động viên họ cố gắng lên, vừa thay băng vừa chích thuốc vừa nói chuyện cho họ quên đi sự đau. Những vết thương dơ ai cũng tránh xa nhưng tôi thì khác. Bệnh nhân lành vết thương, sạch sẽ, tôi cảm thấy rất vui. Tôi rất yêu chăm sóc những vết thương” - chị Phương tâm sự.

Theo chị Phương, làm điều dưỡng là “nghề chọn người” bởi trước khi làm điều dưỡng, chị đã bén duyên với nghề giáo viên mầm non được mấy năm. Ở tuổi 33, trong khi ai cũng ổn định công việc thì chị lại rẽ ngang học ngành điều dưỡng, một phần vì chị hay bị viêm họng và hơn hết là chị cảm thấy hợp với nghề chăm sóc những vết thương. Khi dạy học, có những em học sinh bị té ngã, xây xát, chăm sóc vết thương cho các em chị đã cảm thấy bị cuốn hút. Những năm học nghề điều dưỡng, dù lớn tuổi nhất nhưng chị luôn dẫn đầu về điểm số.

Giờ đã bước sang tuổi 50 và gần 20 năm theo nghề, chị vẫn cảm thấy vô cùng yêu quý công việc và thích việc được phục vụ bệnh nhân dù tỉnh hay mê. Đối với những bệnh nhân phải nằm hồi sức, nửa tỉnh nửa mê, chị Phương vẫn ân cần nói chuyện với họ.

Chị Phương đang tắm cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: HOÀNG LAN

Chị Phương đang tắm cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: HOÀNG LAN

“Nói chung mình phải cảm nhận được cái đau của bệnh nhân thì mới chăm sóc, phục vụ được tốt hơn. Bệnh nhân bị lở loét nên rất dễ sinh tâm lý mặc cảm. Quá trình tiếp xúc mình phải nhẹ nhàng và gỡ mặc cảm của họ xuống thì họ sẽ hợp tác và phấn chấn tinh thần hơn. Có lần một bệnh nhân từ phòng hồi sức được chuyển ra phòng ngoài nói với tôi: “Tôi ngày nào cũng nghe cô hỏi thăm chú có khỏe không, rồi cô bóp tay bóp chân, nghiêng rồi vỗ lưng cho tôi. Dù rất vui nhưng tôi không nói lại được vì mắc ngậm cái ống”” - chị Phương kể một kỷ niệm vui.

Nhiều bệnh nhân khi ra viện cám ơn không hẹn ngày gặp lại và nhiều bệnh nhân giữ liên lạc, chị Phương không sao nhớ hết. Chị nhớ mãi trường hợp linh mục ở một nhà thờ tại Đồng Nai bị nhiễm trùng da 99%, chỉ còn vùng mặt là còn lành lặn kèm theo bệnh nền tim mạch đã đặt stent, đái tháo đường, gan, phù phổi cấp liên tục. Người nhà cho biết ông bị vảy nến và đã nghe lời mách của người nhà lấy lá muồng trâu tắm nên bị dị ứng.

“Ngày vào viện ông nặng 60 kg nhưng nằm viện sụt chỉ còn 30 kg, mỗi lần thay băng mất đến 4 tiếng, nhiều lúc nghĩ ông sẽ khó qua khỏi nhưng kỳ tích đã xuất hiện khi ông đã xuất viện và về nhà khỏe mạnh, tiếp tục công việc linh mục” - chị Phương kể và hiện vẫn giữ mối liên hệ thân thiết với ông.

“Nói chung mình phải cảm nhận được cái đau của bệnh nhân thì mới chăm sóc, phục vụ được tốt hơn. Bệnh nhân bị lở loét nên rất dễ sinh tâm lý

mặc cảm.”

Điều dưỡng Phạm Thị Phương

Góp phần mở “tâm” bệnh nhân

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, ngoài chăm sóc sức khỏe, chị Phương còn thường xuyên cắt tóc, cắt móng tay, móng chân, gội đầu, tắm rửa cho người bệnh. “Các bệnh nhân COVID-19 vào viện rất cô đơn, mình coi họ như người nhà của mình thì sẽ không nề hà làm bất cứ việc gì. Một số gia đình bệnh nhân dù không qua khỏi nhưng vẫn gửi lời cám ơn các y bác sĩ chăm sóc, tắm rửa cho bệnh nhân được sạch sẽ. Thậm chí có bệnh nhân trước lúc lâm chung còn cầu nguyện sức khỏe cho các y bác sĩ nơi đây” - chị Phương nhớ lại.

Ngoài làm công tác chuyên môn, điều dưỡng viên còn là những chuyên gia tâm lý, trấn an tinh thần người bệnh.

Chị Phương nhớ mãi trường hợp một nam bệnh nhân chứng kiến vợ con bị ngạt trong vụ cháy chung cư Carina (quận 8) và bản thân cũng bị viêm phổi hít nặng, nguy kịch phải nhập viện. Sau hai tháng điều trị thở máy, bệnh nhân rơi vào trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai, móng tay, móng chân đều dài, tóc dài xuống vai nhưng nam bệnh nhân không cho ai đụng vào người. Hiểu được hoàn cảnh của bệnh nhân, chị Phương kiên trì ngày nào cũng nói chuyện với bệnh nhân và dần “mở” được lòng của bệnh nhân. Bệnh nhân bắt đầu cho chị cắt móng tay, móng chân và gội đầu, cắt tóc. Chỉ có điều tảng đá đè nặng lên ngực bệnh nhân là cái chết của vợ con anh thì chưa được tháo xuống. Không thể thông báo vợ con mất đột ngột cho bệnh nhân, chị Phương đưa cho anh một quyển sổ, dặn anh viết nhật ký để kể cho hai mẹ con còn đang nằm viện do bệnh nặng. Những trang sổ dần đầy ắp tâm sự của anh gửi hai mẹ con. Chị Phương cũng mất nhiều ngày để chuẩn bị tâm lý cho anh khi nhiều lần ướm lời nếu như bệnh nặng quá, hai mẹ con mất thì sao.

Nhờ vậy, đến ngày người nhà vào thông báo cái chết của vợ con, anh không bị kích động mạnh mà chỉ ôm cuốn sổ khóc. Chị Phương nhẹ nhàng dỗ dành: “Em cứ khóc đi”. Anh trả lời lại: “Vợ con mất rồi thì đâu có đọc được nhật ký”. Chị Phương tiếp tục nói: “Dù vợ con em mất nhưng họ vẫn ở bên cạnh em và hiểu em muốn nói gì”. Sau đó, nam bệnh nhân cũng dần trấn tĩnh tinh thần và xuất viện dưới sự ngỡ ngàng và vỡ òa hạnh phúc của người nhà.

Hiện tại, nam bệnh nhân đã đi làm lại bình thường và tươi cười khi vào tái khám ở BV Chợ Rẫy. Anh chia sẻ luôn cảm thấy vợ lúc nào cũng ở bên nên luôn cảm thấy ấm áp và không còn sốc như thời gian đầu.

“Nhiều bệnh nhân vào viện nếu không mở được tâm họ thì rất khó điều trị. Lắng nghe họ, gỡ khúc mắc của họ cũng giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn” - chị Phương chia sẻ.•

Ý nghĩa ngày Điều dưỡng Quốc tế

12-5 là ngày sinh nhật của bà Florence Nightingale, người đã đóng góp rất nhiều cho ngành điều dưỡng, đã được Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế chọn làm ngày Điều dưỡng Quốc tế nhằm tôn vinh những điều dưỡng tận tụy, người không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Bà là người đầu tiên đặt nền tảng vệ sinh trong các cơ sở y tế, giúp giảm tỉ lệ tử vong do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trải nghiệm xem tranh Van Gogh đầy choáng ngợp trong không gian 720 độ

Trải nghiệm xem tranh Van Gogh đầy choáng ngợp trong không gian 720 độ

(PLO)- Triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh đầu tiên tại Việt Nam đã chinh phục hàng chục nghìn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Sức hút mạnh mẽ của triển lãm vẫn được duy trì trong thời gian qua nhờ chuỗi trải nghiệm nghệ thuật đa điểm chạm kết hợp công nghệ độc đáo, trong đó nổi bật là phiên bản nâng cấp Van Gogh Immersive 720.

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.