Tối 6-5, Nhà xuất bản Trẻ đã làm một buổi tiệc sinh nhật lần thứ 62 sớm một ngày cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (ông sinh ngày 7-5) nhân dịp ra mắt quyển sách Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp. Tại buổi tiệc này có mặt bà Tiếng Thu - phu nhân của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người cũng rất quen thuộc với đồng nghiệp, bạn bè, thân hữu của ông.
Tuy nhiên, vợ nhà văn lại ít bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Lần này cũng thế, chị ngồi bên dưới, không bước lên phát biểu nhưng lại chia sẻ với thân hữu, báo chí ngồi xung quanh những ý kiến rất “đặc biệt” về ông xã của mình…
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) cùng vợ và ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: HB
“Anh Ánh sách gì cũng có, chỉ còn thiếu sách... trong mắt vợ con”
Trong lúc Nguyễn Nhật Ánh đang phát biểu, bà Thu lo hỏi xung quanh xem có ai quay phim lại không. Bà trầm trồ: “Lần này anh Ánh có những phát biểu rất hay”.
Bà nhẩm tính: “Anh Ánh đã có sách độc giả viết về ảnh, có sách các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước viết về ảnh như: Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh và tôi, Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ… Bây giờ ảnh có thêm Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp. Vậy tôi thấy anh Ánh sách gì cũng có, chỉ còn thiếu quyển sách người thân viết về ảnh như "Nguyễn Nhật Ánh trong mắt vợ con”.
Hỏi ngay thế trong mắt bà và con gái, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra sao? Bà Thu cười, không nói.
Hỏi cụ thể hơn là ở nhà từ hồi trẻ đến giờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có là người biết phụ giúp việc gia đình với vợ như quét nhà, lau nhà, nấu ăn, giặt đồ, chăm con không… ? Bà cười vui: “Ảnh ít làm lắm nhưng ảnh nói ảnh có người trợ giúp. Người trợ giúp đó là chị đó”. Xong rồi bà Thu giải thích ngay: “Nếu một người mà để đầu óc vào những chuyện nhà như thế, lo những chuyện đó thì không còn đầu óc sáng tác, viết văn đâu. Mà sức lao động, công việc viết văn của anh Ánh rất là lớn, rất là vất vả, cực nhọc. Lao động như vậy, viết ra tác phẩm như vậy lẽ ra Nhà nước nên tặng huy chương lao động cho anh Ánh”.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ ngồi kế bên nghe gật gù: “Gia đình làm hồ sơ, nhà xuất bản làm hồ sơ nha. Gia đình ký là nhà xuất bản làm hồ sơ nhận huy chương lao động ngay”. Cả vợ Nguyễn Nhật Ánh và em trai ruột ông đều cười vui: “Ồ không, nói vui thôi. Chắc anh Ánh không xin huy chương và không cần huy chương”.
Chia sẻ nhiều chuyện, vợ nhà văn còn tiết lộ một chi tiết chị là người rất thích làm tiệc, rất thích nấu ăn. Trong nhà lúc nào cũng có tiệc với đồ ăn, còn ông thì lại không thích ăn tiệc. Ông chỉ ăn những thứ đơn sơ như nước mắm, cá kho mặn… Còn một chi tiết rất đặc biệt mà nhà văn khi nghe kể ra đây hẳn sẽ cảm động lắm về vợ mình.
Bạn đời của ông nói: “Chị hay nói chơi chứ ước gì mình chết trước anh Ánh để ảnh viết điếu văn về vợ. Ảnh viết lúc đó chắc hay lắm”. Chuyện vui thôi nhưng xem ra Nguyễn Nhật Ánh đã nhận được thật nhiều tình yêu, sự ủng hộ từ vợ mình.
“Hãy để yên Nguyễn Nhật Ánh trong trẻo”
Trong suốt quá trình sáng tác và gặt hái thành công, Nguyễn Nhật Ánh thường xuyên gặp phải câu hỏi: Tại sao văn của ông hiền lành, trong trẻo quá trong khi hiện thực cuộc sống ngoài kia ngày càng bức bối với nhiều chuyện tiêu cực, suy thoái về xã hội lẫn con người?
Tại buổi tiệc tối 6-5, nhà thơ Đỗ Trung Quân bất ngờ kể: “Một người bạn của tôi và là bạn của cả anh Nguyễn Quang Lập đang ngồi đây đã nói rằng Quân ơi, tụi mình bụi bặm nhiều quá rồi, hãy để yên Nguyễn Nhật Ánh trong trẻo viết để con cái chúng ta có cái mà đọc”.
Nhà thơ nhắc lại tình bạn hơn 30 năm của mình và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chuyện Nguyễn Nhật Ánh nằm dài ở căn phòng nhỏ của Đỗ Trung Quân viết truyện đăng báo, xuất bản đầu tiên sau 1975. Đỗ Trung Quân kể chuyện mình (phóng viên báoTuổi Trẻ) đi đặt hàng Nguyễn Nhật Ánh viết truyện dài (Mắt biếc) đăng từng kỳ trên báo Tuổi Trẻ - tức Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn hiếm hoi sau 1975 viết truyện phơi tông trên báo.
Nhà thơ Lê Minh Quốc thì khẳng định Nguyễn Nhật Ánh đã có những thành công quá sức đặc biệt với sự đặc biệt đón nhận tác phẩm của ông từ người đọc và đó là thành công chung của nền văn học lẫn người viết văn trong nước. Một nhà báo tiết lộ rằng Nguyễn Nhật Ánh là người cực kỳ có trách nhiệm với bản thảo, cẩn thận với bản thảo tới mức khó ai sửa được bài hay văn của ông. Nếu có biên tập nào lỡ sửa, coi chừng biên tập đó sửa đúng thành sai như thực tế có vài câu chuyện chứng minh.
Nói về cuốn sách mới nhất viết về ông, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Quyển sách này như một món quà kỷ niệm cho sinh nhật tuổi 62 của tôi. Xem qua quyển sách này tôi như đang cảm giác lật giở từng trang của đời mình, đồng thời bắt gặp lại rất nhiều những gương mặt thân thiết đã theo dõi và cổ vũ tôi trong suốt chặng đường sáng tác đã qua… Rất, rất nhiều những gương mặt, kể cả những anh chị người nước ngoài, người Nhật, người Mỹ và cả những người tôi nhận ra họ đã không còn trên cõi đời. Cuốn sách này với tôi là một cuốn album bằng chữ, khi nhìn vào đó, lật giở từng trang sách tôi có thể thấy được những chặng đường sáng tác của mình, có những lúc thuận lợi, có những lúc khó khăn nhưng lúc nào cũng có những bạn bè thân thiết đồng hành. Tôi nghĩ rằng giá trị văn chương là giá trị tự thân. Một lời khen không thể làm tác phẩm hay hơn chính nó. Một bài cảm nhận, một bài nhận xét không thể làm tác phẩm đứng trong lòng người đọc nhưng nó làm ấm lòng cho người viết. Đó là điều đáng quí. Bởi đó là tiếng nói tri âm, là nỗi cảm thông, là niềm an ủi, đặc biệt là niềm vui để tôi có thể tiếp tục công việc nhọc nhằn là cày ải trên cánh đồng chữ hết ngày này qua ngày khác suốt nhiều chục năm như vậy”.
Album 30 năm cuộc đời của nhà văn được yêu thích
Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp chọn lọc hơn 70 bài viết về tác phẩm và con người nhà văn Nguyễn Nhật Ánh của nhiều nhà báo, nhà văn, nhà phê bình văn học trong suốt 30 năm qua. Trong đó có nhiều tác giả là người tên tuổi như các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, như: Lê Giang, Ý Nhi, Nguyễn Quang Lập, Trần Đăng Khoa, Tần Hoài Dạ Vũ, Ngô Thị Kim Cúc, Đỗ Trung Quân, Phan Hồn Nhiên, Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Hoàng Điệp, Huỳnh Như Phương, Phạm Xuân Nguyên…; và những nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu nước ngoài như: Timothy Sifert - Mỹ, Kato Sakae - Nhật, William Naythons - Mỹ... |