Nguyên tắc liêm chính: "Thanh bảo kiếm" diệt trừ tham nhũng

Trung ương Đảng cộng sản (ĐCS) Trung Quốc vừa ban hành bộ “Nguyên tắc liêm chính của cán bộ lãnh đạo, đảng viên ĐCS Trung Quốc” (gọi tắt là Nguyên tắc liêm chính).

Người dân và lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng bộ “Nguyên tắc liêm chính” sau khi được thực thi có tác dụng làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ được sự liêm khiết trong quá trình làm việc, đồng thời tạo được niềm tin cho quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Theo đánh giá chung, bộ nguyên tắc vừa được ban hành này đã vạch rõ ranh giới của những hành vi vi phạm. Tính cụ thể, phạm vi ảnh hưởng lớn và tính chiến đấu… là những ưu điểm của bộ nguyên tắc vừa được ban hành. Người dân kì vọng đây sẽ là thanh bảo kiếm sắc bén chống lại nạn tham nhũng đang hoành hành tại Trung Quốc.

Một bị cáo tham nhũng ở Trung Quốc trước vành móng ngựa. Ảnh: Tân Hoa xã

Bộ “Nguyên tắc liêm chính” được phát triển có kế thừa, sửa chữa và bổ sung từ “Nguyên tắc liêm chính" (thử nghiệm) mà Trung ương ĐCS Trung Quốc đã đưa vào áp dụng thử vào tháng 3-1997. Những “Nguyên tắc liêm chính” được ban hành lần này là sự đúc rút kinh nghiệm của công tác phòng, chống tham nhũng trong suốt 12 năm qua. Phản ánh khá đầy đủ đặc điểm của tình hình mới, bổ sung thêm một số điều khoản phù hợp với thực tế, vì vậy có tính chính xác, cụ thể…

Bộ nguyên tắc trên có tổng cộng 18 điều, trong đó quy định chi tiết “52 hành vi cấm” về 8 phương diện mà người cán bộ không được làm. Cụ thể như sau: Cấm lợi dụng ảnh hưởng chức quyền và chức vụ để mưu cầu lợi ích không chính đáng; cấm hoạt động mang tính mưu cầu lợi nhuận cá nhân; cấm vi phạm quy định quản lí và sử dụng tài sản công, lấy của công làm của tư, lấy việc công làm việc tư; cấm vi phạm quy định tuyển chọn cán bộ; cấm lợi dụng ảnh hưởng chức quyền và chức vụ để người nhà và cộng sự thân cận mưu cầu lợi ích riêng; cấm nói chuyện phô trương, lãng phí, tiêu xài lãng phí tiền của nhà nước; cấm vi phạm quy định tham dự và nhúng tay vào hoạt động kinh tế thị trường, mưu cầu lợi ích riêng; cấm xa rời thực tế, giở trò dối trá, làm tổn hại tới lợi ích của quần chúng và quan hệ giữa đảng viên với quần chúng.

Một bài viết đăng trên trang web của Trung ương ĐCS Trung Quốc đã phân tích, “52 hành vi bị cấm” trong bộ “Nguyên tắc liêm chính của cán bộ lãnh đạo, đảng viên ĐCS Trung Quốc” đã đề cập khá toàn diện, rõ ràng và cụ thể những biểu hiện vi phạm các quy định. Đặc biệt, có một số quy định mới đã kịp thời được bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện tại, như: Không vi phạm các quy định khi tham gia các hoạt động kinh tế thị trường mưu cầu lợi ích cá nhân; xa rời thực tế, làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Các quy định trong bộ nguyên tắc này có tính trình tự rõ ràng, dễ hiểu, có tính giáo dục cao. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, vẫn cần có quy định luật pháp cụ thể để ràng buộc.

Trong những năm qua, song hành với thành công vượt bậc về kinh tế, tham nhũng cũng phát triển mạnh, trở thành vấn nạn ở Trung Quốc. Theo một thống kê, từ năm 1978 đến năm 2003, khoảng 4.000 quan chức tham nhũng Trung Quốc đã "ẵm" 50 tỉ USD chạy trốn ra nước ngoài… Mặc dù Trung Quốc đã mất rất nhiều công sức trong việc phòng, chống tham nhũng và bước đầu đã có những biện pháp cứng rắn, nhiều quan tham đã phải nhận những mức án cao nhất… nhưng vẫn chưa thể “nhổ tận gốc” nạn tham nhũng. Một trong những nguyên nhân đó là thiếu một bộ luật có tính toàn diện và cụ thể.

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc Hạ Quốc Cường đã chỉ rõ rằng, cán bộ lãnh đạo các cấp phải ra sức thực hiện nghiêm túc các quy định này, tuyệt đối không học tập theo kiểu lý thuyết suông mà phải thực hiện bằng những hành động cụ thể. Theo tác giả bài viết, chỉ có làm tốt công tác chống tham nhũng mới tạo điều kiện tốt hơn để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Việc ban bố “Nguyên tắc liêm chính” là một thời cơ tốt để chống lại nạn tham nhũng.

Theo Thanh Tuấn-Nguyễn Hòa (báo QĐND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới