Nhà Bè: Cần 30.000 tỉ hoàn thiện hạ tầng giao thông

(PLO)- Để phấn đấu lên quận, huyện Nhà Bè dự kiến từ nay đến năm 2025 cần tới hơn 30.000 tỉ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“UBND huyện Nhà Bè đang xây dựng các chương trình để chuyển từ huyện lên quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM. Theo đó, huyện đang cố gắng hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trong thời gian tới” - ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Đẩy nhanh hàng loạt dự án lớn

Ông Võ Phan Lê Nguyễn cho biết để xây dựng chỉnh trang đô thị, huyện Nhà Bè đã và đang đẩy nhanh hàng loạt dự án lớn. Trong đó, huyện đặc biệt chú ý các dự án liên vùng, thay đổi diện mạo đô thị và chú trọng đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng.

Đầu tiên phải kể đến dự án cầu Long Kiểng - cây cầu đang phải tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng. Đến nay, UBND huyện Nhà Bè đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tiếp tục thi công dự án, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Huyện Nhà Bè cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cây cầu bắc qua kênh Cây Khô - một dự án kết nối với đường Phạm Hùng (quận 8). Huyện xác định đây là tuyến đường huyết mạch ở phía tây huyện Nhà Bè để kết nối vào trung tâm TP.

UBND huyện Nhà Bè cũng quyết tâm hoàn thành dự án cầu Phước Long (kết nối Nhà Bè - quận 7). Đây là cây cầu quan trọng giúp kết nối huyện với trung tâm TP.

Bên cạnh đó, đường Lê Văn Lương cũng được huyện Nhà Bè chuẩn bị vốn đầu tư, sẵn sàng nâng cấp mở rộng trong thời gian tới. Trong đó, huyện Nhà Bè ưu tiên hoàn thành bốn cây cầu trên đường này gồm: Long Kiểng, Rạch Đĩa, Rạch Dơi, Rạch Tôm.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn thông tin: với những dự án như trên, UBND huyện đã và đang đặt ra mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để tới năm 2025 cơ bản đạt được những tiêu chí về giao thông để chuyển từ huyện lên quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM.

“Việc chuyển đổi từ huyện lên quận hay lên một TP không đơn giản là sự chuyển đổi từ huyện lên quận. Bởi lẽ nó cần có sự chuyển đổi cả lượng và chất” - ông Nguyễn nhận định.

Dự án xây dựng cầu Phước Long đang được huyện Nhà Bè đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: ĐT

Dự án xây dựng cầu Phước Long đang được huyện Nhà Bè đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: ĐT

Đã đạt 23/30 tiêu chí để trở thành quận

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, lộ trình phát triển của huyện Nhà Bè hiện nay đã được trình cho Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Đồng thời, huyện cũng đang xây dựng lộ trình đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí để trở thành quận. Hiện huyện Nhà Bè đã đạt 23/30 tiêu chí.

Đối với những tiêu chí còn lại, huyện đang xây dựng lộ trình cụ thể để sớm hoàn thành.Trong đó, tiêu chí khó nhất là hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị. “Tiêu chí này chúng tôi cần một nguồn vốn rất lớn để thực hiện, trong khi đó ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn” - ông Nguyễn cho biết.

Theo ông Nguyễn, dự kiến từ nay đến năm 2025, huyện cần tới hơn 30.000 tỉ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đây là số vốn “khủng” nên ở một số tuyến đường cụ thể, UBND huyện sẽ trình UBND TP.HCM để xin chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đơn cử như tuyến đường 15B, là một tuyến đường huyết mạch kết nối từ quận 7 - Nhà Bè và Cần Giờ. Huyện cần xin TP chấp thuận cho huyện được nghiên cứu theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm.

“Có nghĩa là Nhà nước sẽ kêu gọi người dân cùng các doanh nghiệp hỗ trợ vốn và Nhà nước bỏ ngân sách để làm công tác bồi thường. Hiện UBND huyện Nhà Bè đang nghiên cứu và hy vọng phương án này sẽ gỡ được nhiều khó khăn trong nguồn vốn và đáp ứng các yêu cầu về phát triển đô thị” - ông Nguyễn kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn, để sớm hoàn thành các dự án trên thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cần được đặt lên hàng đầu, bởi đây là một giai đoạn rất khó khăn.

“Với những dự án thành công trong công tác GPMB thì chúng ta cần có hai việc phải đạt được. Đó là đạt được cơ sở về pháp lý và đạt được sự đồng thuận của người dân” - ông Nguyễn lý giải.

Vì vậy, thời gian qua TP đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo cũng như các chủ trương để thực hiện công tác bồi thường được rút ngắn. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương về hành lang pháp lý để thực hiện công tác GPMB.

Đối với sự đồng thuận của người dân, huyện Nhà Bè đang thực hiện rất nhiều giải pháp. Trong đó có một biện pháp mà huyện Nhà Bè cho rằng rất hữu hiệu đó là phải tiếp xúc, đối thoại thường xuyên với người dân để nắm được tâm tư, nguyện vọng cũng như giải quyết kịp thời các vướng mắc, các kiến nghị.

“Khi chúng ta giải quyết được các thắc mắc của người dân thì sẽ nhận được sự đồng lòng. Theo đó, nhiều dự án ở huyện Nhà Bè đã có sự tiến triển, nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân” - ông Nguyễn cho hay.•

Thông xe một nhánh đường Phạm Hữu Lầu

Sáng 13-10, UBND huyện Nhà Bè tổ chức lễ thông xe một nhánh đường Phạm Hữu Lầu. Đây là dự án quan trọng góp phần vào sự phát triển diện mạo đô thị của huyện này.

Một nhánh đường Phạm Hữu Lầu đã được thông xe vào sáng 13-10. Ảnh: ĐT

Một nhánh đường Phạm Hữu Lầu đã được thông xe vào sáng 13-10. Ảnh: ĐT

Sau khi dự án hoàn thành, các nhánh còn lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển từ đường Lê Văn Lương ra đường Nguyễn Hữu Thọ và kết nối vào trung tâm TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm