Nhà máy ở Onagawa bình an trước sóng thần 17m

Bài phân tích trên mạng tin Asahi Shimbun ngày 31/3/2011 đã chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản giữa hai trường hợp trên.

Nằm ven Thái Bình Dương cách Fukushima 1 khoảng 120km về phía Bắc, nhà máy Onagawa có ba lò phản ứng. Theo kết quả điều tra mới công bố, cơn sóng thần hôm 11/3/2011 tấn công nhà máy Fukushima 1 có chiều cao 14m trong khi cơn sóng thần nhằm vào Onagawa là một bức tường nước 17m. Trong số 3 lò của Onagawa, nước biển đã tràn vào trong và làm ngập toàn bộ tầng ngầm thứ 3 của lò số 2 nhưng nguồn điện làm mát lò này vẫn không hề hấn gì.

Theo chuẩn an toàn thiết kế của nhà máy Onagawa, nhà máy này vẫn hoạt động bình thường nếu chiều cao tối đa của sóng thần là 9m. Và theo lý thuyết, nếu sóng thần vượt quá 9m thì mức độ ảnh hưởng cũng tương đương với Fukushima 1. Thế nhưng, Onagawa vẫn bình an vô sự.

Nhà máy ở Onagawa bình an trước sóng thần 17m ảnh 1

Nhà máy điện Onagawa được xây dựng với chiều cao 15m. (Ảnh: Cao Phong/Vietnam+)

Nhắc đến nguyên nhân khiến Onagawa vẫn đứng vững sau thiên tai, TEP có nêu: “Tình hình cụ thể của nhà máy hiện vẫn đang được xác định nhưng chính thiết kế dôi dư được đánh giá là vấn đề mấu chốt.”

Quan niệm về thiết kế “dôi dư,” theo cách nói của TEP, nằm ở chiều cao của tháp chứa lò phản ứng so với mực nước biển. Chiều cao tiêu chuẩn của các tòa nhà này đạt tới 14,8m, cao hơn Nhà máy Fukushima 1 với 10m.

Sau khi sóng thần tấn công lò số 2, nhà máy Onagawa thường chuyển sang vận hành nguồn điện khẩn cấp sau khi một hệ thống làm lạnh bị hư hại do nước xâm nhập vào bể làm mát. Và chính chiều cao của nguồn điện khẩn cấp so với mực nước biển đã giúp lò số 2 của nhà máy này thoát khỏi số phận như các lò ở nhà máy Fukushima số 1.

Ngoài ra, một trong những điểm mấu chốt khiến Onagawa không cùng chung số phận với Fukushima 1 là nhà máy này không mất đi nguồn điện ngoài. Theo TEP, trong số hai hệ thống đường dây nối với nhà máy, một nhánh bị đứt do ảnh hưởng của trận động đất nhưng vẫn còn một nhánh còn lại tiếp tục hoạt động và cung cấp điện cho nhà máy. Lò phản ứng số 1 của nhà máy đã không sử dụng nguồn điện ngoài do bị hỏng bộ biến áp nhưng vẫn được duy trì nhờ hoạt động của lò số 2 và số 3.

Trong khi đó, liên quan đến sự cố mất nguồn điện ngoài của nhà máy Fukushima số 1, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) giải thích là “do cột điện bị đổ.” Như vậy, về thiết kế xây dựng, Fukushima 1 có nhiều điểm yếu so với Onagawa.

Thông thường, liên quan đến thiết kế chống sóng thần, việc xây dựng nhà máy cao hơn so với mực nước biển không hề là câu chuyện giản đơn. Để làm mát một lượng lớn nước đi ra từ tuốcbin thì nhà máy đương nhiên phải xây dựng gần với mực nước biển.

Hơn nữa, việc vận chuyển bằng đường biển các thiết bị có kích thước lớn nặng hàng tấn như các thanh nhiên liệu hay bể chứa thanh nhiên liệu diễn ra thường xuyên và nếu chiều cao tiêu chuẩn của nhà máy càng lớn bao nhiêu so với mức nước biển thì càng gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động tác nghiệp tại nhà máy.

Tuy nhiên, Onagawa đã khắc phục được rất tốt điểm yếu này và chính cái “thừa” và “nhược điểm” trong thiết kế lại vô hình trung trở thành điểm mạnh giúp Onagawa đứng vững trước thảm họa thiên nhiên hôm 11/3/2011.

Giáo sư danh dự Khoa lò phản ứng thuộc Đại học Osaka, ông Miyazaki Keiji, cho biết: “Điểm quan trọng nhất là cần xây dựng nhà máy trên một nền đất mắcma cao và vững chắc. Ở Nhật Bản, chiều cao của bể chứa lò phản ứng tại nhiều nhà máy điện vẫn rất muôn hình muôn vẻ và cũng tùy thuộc vào sự kiên cố của công trình được đặt trên một nền móng thích hợp”.

Theo Cao Phong (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm