Nhà thờ cổ Sài Gòn - Bài 6: Phục hồi vẻ đẹp nguyên sơ nhà thờ Đức Bà

Sau khi hoàn thành việc phục dựng ngôi nhà nguyện trong tòa tổng giám mục, cha chính Ignaxiô Hồ Văn Xuân được giao tiếp việc tu sửa nhà thờ Đức Bà. Càng tìm hiểu, cha càng thấy khối lượng công việc quá sức tưởng tượng.

Đi qua Pháp tìm vật liệu thay thế cũng vô vọng!

Cha Xuân đã đi qua Pháp và một số nước châu Âu để tìm kiếm vật liệu sửa chữa, thay thế nhưng thật vô vọng. Những công ty làm loại gạch thẻ như của nhà thờ Đức Bà đến nay đã không còn nữa. Người ta gợi ý có thể cung cấp những viên gạch tương tự như thế nhưng là gạch cũ, tháo dỡ từ các công trình cổ… Cha đành từ chối vì thay gạch cũ bằng những viên gạch cũ khác thì không thể đảm bảo chất lượng. Ai có thể đi kiểm định từng viên gạch cũ đó nổi. Ngay cả giải pháp dùng hóa chất tẩy xóa những nét bút bôi bẩn mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng gạch cũng chưa tìm được cách làm tối ưu.

Ngói thì may mắn hơn, một công ty ở Ba Lan chuyên sản xuất ngói cho nhà thờ đã sẵn sàng cung cấp loại ngói tương tự, giá cũng rẻ, chỉ có 1 euro/viên nhưng tính ra chi phí vận chuyển khá cao, chưa kể các thủ tục nhiêu khê khác. Thực ra số ngói Marseille mang từ Pháp qua ban đầu nay còn lại trên mái nhà thờ cũng chỉ độ 5.000 viên, số khác đã được thay bằng ngói Phú Hữu hay ngói Vương Đại (đều của Việt Nam) ở những lần tu sửa trước, tức là ngói Việt Nam cũng đáp ứng được. Khi được đặt hàng, ngói Đồng Nai đã báo giá chỉ hơn 20.000 đồng/viên, tương đương hàng ngoại. Cho dù vẫn còn băn khoăn về giải pháp để màu ngói có sự đồng bộ, không quá khác biệt với màu tường đã cũ nhưng cha Xuân đã chọn sử dụng ngói trong nước, cũng là để ủng hộ hàng nội hóa.

Riêng tôn ở trên mái tháp chuông vẫn chưa tìm được mẫu tương tự. Vào tháng sau, khi tháp tùng Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đi Pháp và Tây Ban Nha dự lễ tấn phong của một vị giám mục, cha Xuân sẽ mang mẫu tôn theo, hy vọng sẽ tìm được nơi cung cấp. Điều may mắn là các chuyên gia cho biết không cần phải thay hết hai ngọn tháp, chỉ phải thay mỗi phần bị mục phía dưới mà thôi.

Năm 2011, một chuyên gia về chuông và đồng hồ cổ từ Hong Kong sang nghiên cứu cách vận hành báo giờ tự động của đồng hồ nhà thờ và bộ chuông cổ. Họ cho biết có thể khôi phục việc gõ chuông đồng hồ nhưng chi phí quá cao, tới hàng triệu USD nên đành gác lại. Nay có người quen ở Pháp cho biết đã tìm được một gia đình sửa đồng hồ cổ cha truyền con nối có thể giúp việc khôi phục này, chi phí không quá cao nên đây là một trong những việc ưu tiên.

Nhà thờ Đức Bà và tượng Đức Mẹ Hòa Bình

Mái tôn bị gió thổi rơi mất.

 

Ngói bị vỡ, rời ra và nguy cơ rơi xuống đường. Ảnh: Xơ Têrêxa Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa

Nhà thờ sẽ rực sáng trong đêm

Không phải chỉ tu bổ, sửa chữa những chỗ hư hỏng, lần trùng tu này còn đem lại gương mặt đẹp mới cho nhà thờ Đức Bà, như lắp đặt hệ thống đèn chiếu. Toàn bộ nhà thờ trong đêm sẽ được chiếu rực sáng. Ở bên trong sẽ nghiên cứu lối đi riêng dành cho du khách tham quan mà vẫn giảm được sự ồn ào khi dâng thánh lễ. Quảng trường trước nhà thờ cũng sẽ được chỉnh trang lại… Dù muốn hạn chế tình trạng viết, vẽ bậy lên tường nhà thờ nhưng chắc chắn sẽ không có hàng rào bao quanh để du khách có thể tự do tham quan, chụp ảnh thoải mái. Nhà thờ sẽ không sử dụng bảo vệ mà tìm cách hướng tới có một đội ngũ hướng dẫn viên vừa biết ngoại ngữ để có thể hướng dẫn du khách khi cần, vừa đảm bảo trật tự một cách lịch sự ngay cả với người vi phạm.

“Nhà thờ Đức Bà không chỉ là công trình tôn giáo, đây còn là một công trình văn hóa, chúng tôi mong muốn mọi hoạt động, cách ứng xử ở đây đều phải trên cơ sở văn hóa” - cha Ignaxiô Hồ Văn Xuân tâm sự.

Chỉ riêng đơn vị nghiên cứu khảo sát và kiểm định công trình đến nay đã là công ty thứ tư. Ba công ty đầu vì nhiều lý do đều phải rút lui. Mặc dù đã hơn bốn tháng nghiên cứu nhưng đến nay công ty mới vẫn chưa thể cho ra bản kết luận về giải pháp và tổng số vốn để trùng tu nhà thờ. Họ cho biết đây là công trình cổ và giá trị, không thể làm vội vã mà phải đắn đo tranh luận rất nhiều lần mới ra được giải pháp. Thậm chí việc đưa ra dự đoán một con số kinh phí ước chừng có sai số họ cũng không dám đưa ra. Chỉ có thể ước đoán nếu có đủ kinh phí, việc trùng tu sẽ mất ít nhất hai năm, tức là xấp xỉ với thời gian xây dựng nhà thờ trước đây. Đây là một khoảng thời gian dài và ảnh hưởng đến nhiều thứ khác chứ không riêng nhà thờ, ví dụ như đường đi sẽ bị ngăn bớt. Dù việc cử hành thánh lễ vẫn có thể diễn ra trong phần lớn thời gian trùng tu nhưng khách du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều…

Tháng 9-2015, đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã phát thư ngỏ vận động người Công giáo trong giáo phận tham gia quyên góp ủng hộ kinh phí trùng tu nhà thờ Đức Bà. Dự định cũng chỉ vận động trong người Công Giáo. Về phía chính quyền từng ngỏ ý sẵn sàng tham gia hỗ trợ một phần kinh phí cho việc trùng tu nhưng do chưa thể đi đến kết luận về kinh phí nên cũng chưa có cơ sở để đặt vấn đề.

Bây giờ đã vào tháng 4, mùa mưa đang đến rất gần, nhà thờ Đức Bà sẽ lại lâm vào cảnh thấm dột đọng nước. Việc chống dột là ưu tiên hàng đầu nhưng lại phải làm đồng bộ trong quá trình trùng tu mà mọi thứ vẫn còn đang rất ngổn ngang.

Linh mục IGNAXIÔ HỒ VĂN XUÂN,  Tổng đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn,  Trưởng ban Trùng tu nhà thờ Đức Bà:

Đây có lẽ là công trình cuối cùng của cuộc đời tôi

Nhà thờ cổ Sài Gòn - Bài 6: Phục hồi vẻ đẹp nguyên sơ nhà thờ Đức Bà ảnh 4

Tâm nguyện của tôi là luôn cố gắng hết sức mình cộng tác với anh em kiến trúc sư, kỹ sư, họa sĩ trong bộ phận chuyên môn và các giáo dân. Lần trùng tu này sẽ làm thật tốt để nhà thờ có thể sử dụng hàng trăm năm nữa, đem lại nét đẹp văn hóa chung cho TP. Đây có lẽ là công trình cuối cùng của cuộc đời tôi tham gia tu sửa, phục dựng, đó cũng là điều cuối cùng tôi có thể đóng góp cho giáo phận trong vai trò một linh mục, như tôi đã từng đóng góp cho giáo phận trong suốt 41 năm qua…

Ngói vỡ có thể rơi trúng người đi đường

- Gạch thẻ bị phong hóa, sứt mẻ nhiều chỗ. Rất nhiều viên gạch bị tô vẽ, ký tên tràn lan.

- Tổng cộng gần 130.000 viên ngói bị hư hỏng nặng, làm hỏng tiếp các đà thép cũng như khiến tường bị nứt và gạch bị mục. Nhiều viên ngói bị vỡ có nguy cơ rơi trúng người đi đường. Một mái từng bị mục và nhà thờ buộc phải thay tạm bằng mái tôn để tránh nguy hiểm.

- Mái tôn đã từng nhiều lần rơi xuống đường khi gió lốc mạnh. Hai chóp mái tháp chuông bằng tôn kẽm đúc giả ngói màu xám trắng đã mục phía dưới, nhiều mảnh tôn bị rơi mất, những chỗ còn lại được vá víu tạm bằng… dây kẽm.

- Chiếc đồng hồ lớn ở mặt trước nhà thờ có hệ thống gõ luôn vào bộ chuông của nhà thờ nhưng đồng hồ đã bị hư và ngưng từ năm 1978.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm