10 giờ 15 ngày 29-6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã qua đời do suy hô hấp. Ở tuổi 91 sự ra đi đột ngột của ông đã để lại khoảng trống trong lòng nhiều ca sĩ từng được gắn bó những đoạn đời cùng ông qua những nhạc phẩm Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu, Bóng cây kơ nia, Những ánh sao đêm…
91 tuổi vẫn tươi vui
Ngày 19-6 vừa qua, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn còn xuất hiện trên sóng truyền hình trong vai trò giám khảo của chương trình Tiếng hát mãi xanh 2015. Trong đêm thi đó khán giả vẫn thấy một nhạc sĩ lớn tuổi nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời như bài hát của ông - Cuộc đời vẫn đẹp sao. Ông vẫn đáng yêu trên ghế nóng với những phát biểu dí dỏm như việc vui mừng tìm ra “chàng thanh niên 71 tuổi nhưng lại sở hữu giọng hát 35 tuổi”…
Theo chia sẻ từ biên tập viên Quỳnh Hương, người tổ chức chương trình Tiếng hát mãi xanh, ngay sau khi biết tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bệnh, chiều 25-6, chín thí sinh và ê kíp thực hiện chương trình đã đến nhà riêng của nhạc sĩ (quận 10, TP.HCM) để thăm hỏi sức khỏe. “Nằm trên giường bệnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn giữ nguyên nét dí dỏm, đáng yêu thường ngày. Ông còn hóm hỉnh khoe ra đôi cánh tay còn điểm vài nốt xuất huyết cùng các vết truyền dịch rồi nói: “Thôi, cho tôi nghỉ xả hơi một buổi, dưỡng sức để tôi vô đêm chung kết và đêm gala hai tuần tới cho nó ngon lành cái coi!”” - MC Quỳnh Hương kể.
Không chỉ với MC Quỳnh Hương mà những ca sĩ Ánh Tuyết, Quang Lý, Họa Mi… đều nhìn thấy ở nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sự vui tươi, trẻ trung, yêu đời và luôn quan tâm đến người khác.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong vai trò giám khảo Tiếng hát mãi xanh. Ảnh: MayQ Media
Tận tình với ca sĩ
Không chỉ bày cho ca sĩ hát đúng, hát tốt mà với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng là người luôn biết ưu, nhược của từng ca sĩ để chọn bản phối phù hợp với từng người. Ca sĩ Quang Lý kể: “Khi tôi hát Như ánh sao đêm, Thư tình cuối mùa thu…, bác không nhận xét nhiều mà luôn tìm kiếm cho tôi những bản phối phù hợp chất giọng của mình. Như ca khúc Thư tình cuối mùa thu, bác chọn bản phối dành cho biểu diễn cùng dàn nhạc lớn của con trai bác là nhạc sĩ Phan Hồng Minh (hiện sống ở Đức)”.
Trong ký ức của ca sĩ Quang Lý, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn là một người giàu lòng nhân ái. Ca sĩ Quang Lý nhớ như in cách hành xử của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi có một công ty chế ca khúc Đoàn vệ quốc quân của nhạc sĩ cho một chương trình. “Khi tôi cùng ban giám đốc công ty đó đến xin lỗi nhạc sĩ vì phần chế lời đó lan truyền trên mạng và công ty này bị cộng đồng phản ứng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không hề chấp nhặt mấy chuyện đó và còn xem đó là những sôi nổi của tuổi trẻ”.
Người của quê nhà
Với những ca sĩ đồng hương thì nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những người có tình yêu quê đặc biệt.
Những ngày anh em nhạc sĩ Trần Dũng và ca sĩ Ánh Tuyết chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người cưu mang hai anh em cô. “Hồi đó những đứa nhỏ như tụi tôi được một nhạc sĩ lớn kêu về nhà ăn cơm là cả một niềm vui sướng. Nhưng mỗi lần được bác kêu qua nhà ăn cơm vui vì được ăn ngon không nhiều bằng cảm giác như trở về nhà mình” - ca sĩ Ánh Tuyết kể.
Có lẽ từ việc quý tình đồng hương mà trong nhiều ca khúc viết về Quảng Nam như Quảng Nam yêu thương của nhạc sĩ luôn làm rưng lòng khán giả vùng đất này.
Lễ viếng từ trưa nay Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 15 ngày 29-6-2015 tại BV Thống Nhất (TP.HCM). Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng nay (30-6). Sau đó linh cữu được chuyển về quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 13 giờ 30 ngày 30-6 đến hết ngày 2-7. Lễ động quan diễn ra vào 5 giờ ngày 3-7 sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên (quận 9, TP.HCM). Ông Phan Hồng Hà, con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cho biết theo di nguyện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cốt của nhạc sĩ sẽ được gửi về chùa Vạn Thọ (quận 1, TP.HCM), phần tro sẽ được mang về rải ở sông Hàn (TP Đà Nẵng). Nhạc sĩ của nhiều bản tình ca cách mạng Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11-11-1924 ở TP Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông còn có bút danh Huy Quang. Ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và có nhiều sáng tác nổi tiếng từ đầu thập niên 1940, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ca khúc đầu tiên của ông là Trầu cau được biết đến rộng rãi. Sau này ông để lại dấu ấn qua nhiều ca khúc: Đoàn vệ quốc quân, Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây kơ nia (thơ Ngọc Anh), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc)… Ông cũng sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Những em bé ngoan… Với những đóng góp to lớn, ông đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc lập hạng Ba, huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huân chương Chống Mỹ hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. |