Nguyên nhân được xác định do người bố nhầm gói thuốc diệt muỗi là gói gia vị mì tôm nên sử dụng cho vào nồi canh.
BS. Đỗ Hữu Nghị, khoa Cấp cứu, BVĐK Hà Đông cho biết, cả 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, nôn nhiều, đau bụng thượng vị, mệt mỏi, hốt hoảng…
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khi nấu bữa tối, anh N.T.B đã cho nhầm thuốc diệt muỗi vào nồi canh vì tưởng đó là… gói gia vị. “Sau khi ăn tối, thấy cả 4 người đều nôn mửa, đau bụng, người nhà mới kiểm tra lại, tá hỏa khi phát hiện gói gia vị cho vào nấu canh không phải là gói gia vị mì tôm mà là gói thuốc diệt muỗi (cypermethrin)”, người nhà bệnh nhân B cho biết.
Theo đó, hai vợ chồng anh B mỗi người ăn khoảng 1-2 bát canh, bé gái lớn (3 tuổi) được cho ăn ½ bát, bé trai còn lại (2 tuổi) ăn khoảng 10 thìa canh. Chỉ một giờ đồng hồ sau ăn, cả bốn người liên tục nôn dữ dội và được người thân đưa đi cấp cứu.
BS Nghị cho biết, sau khi xác định cả 4 người đều ngộ độc thuốc diệt muỗi, bệnh nhân đã được tiến hành rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch và giải độc. Đến sáng nay (12/6), tình trạng 4 bệnh nhân đều đã khá hơn, tinh thần tỉnh táo, không nôn, không đau bụng, không co giật, không có biến chứng suy đa tạng.
Theo BS Nghị, những trường hợp uống nhầm, ăn nhầm hóa chất, thuốc diệt cỏ, dầu, xăng… không phải là cá biệt mà khá phổ biến do một sự bất cẩn của người lớn. Như trường hợp này, gói thuốc diệt muỗi không được cất kỹ mà lại để trong khu vực nấu ăn, dẫn đến người lớn còn nhầm lẫn là gia vị cho vào nồi canh đến mức cả nhà ngộ độc.
Các loại hóa chất, các loại thuốc, theo khuyến cáo của bác sĩ, luôn cần được để ở nơi riêng biệt, cách xa nguồn thức ăn, xa trẻ em để tránh trẻ nghịch đến, nguy cơ uống nhầm hoá chất. Không đựng thuốc, hoá chất vào các chai lọ không nhãn mác, các chai lọ giống chai nước ngọt, đồ ăn… Cần chú ý ghi rõ bên ngoài tên các loại thuốc sâu, thuốc diệt chuột, thuốc diệt muỗi… để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.
Theo Hồng Hải (Dân trí)