Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ coi kinh tế là vấn đề quan trọng nhất quyết định lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, theo đài CNN.
Do đó, trong giai đoạn nước rút hiện nay, cả hai ứng viên chính là Phó Tổng thống Kamala Harris (đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hoà) buộc phải phác thảo các cam kết chính sách kinh tế của riêng mình.
Định hướng chính sách kinh tế lớn của bà Harris là một “nền kinh tế cơ hội” cho người Mỹ, bao gồm cấn trừ thuế liên quan tới trẻ em, các khoản hỗ trợ về nhà ở và các nỗ lực ngăn chặn tình trạng giá cả leo thang.
Trong khi đó, dù chưa công bố chi tiết các cam kết chính sách kinh tế, cựu Tổng thống Trump trong tháng này đã có hai bài phát biểu tập trung vào các vấn đề kinh tế.
Nhờ đó, cử tri Mỹ phần nào hình dung được các cam kết chính sách kinh tế của hai ứng viên.
Xoá bỏ thuế tiền boa – điểm chung nổi bật của bà Harris và ông Trump
Trong hoạt động tranh cử hồi tháng 6 tại bang chiến địa Nevada, ông Trump lần đầu tiên nêu ra ý tưởng xoá bỏ thuế đánh vào tiền boa. Ngày 12-8, ông Trump cho biết ông đang xem xét thi hành chính sách “toàn diện”: xoá bỏ cả thuế thu nhập liên bang và thuế tiền lương đánh vào tiền boa.
Trung tâm nghiên cứu chính sách “Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm” (CRFB) ước tính nếu đề xuất của ông Trump được thực hiện, mức thu thuế sẽ giảm từ 150 tỉ đến 250 tỉ USD trong một thập niên tới.
Theo quy định hiện hành tại Mỹ, nhân viên phải khai báo nếu trong một tháng tổng các khoản tiền boa đạt từ 20 USD (khoảng 500 nghìn đồng) trở lên. Số tiền này sẽ bị đánh thuế thu nhập và thuế tiền lương để hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội.
Ngày 10-8, bà Harris đã hứa với các cử tri trong cuộc tuần hành tranh cử cũng tại Nevada về việc chấm dứt việc đánh thuế thu nhập, song vẫn giữ thuế tiền lương, đối với tiền boa.
Giảm thuế cá nhân: Kế thừa di sản của từng đảng
Cựu Tổng thống Trump muốn mở rộng phạm vi giảm thuế toàn diện liên quan Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 – một trong những thành tựu khi ông còn nắm quyền ở Nhà Trắng. Ông hứa sẽ cắt giảm thuế nhiều hơn và “vĩnh viễn” cho người dân, bất kể mức thu nhập, cũng như cho các doanh nghiệp.
Ngược lại, ứng cử viên đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Harris cam kết tiếp tục theo đuổi chính sách của ông Biden: không tăng thuế đối với những người có thu nhập hằng năm dưới 400.000 USD.
Ông Trump vẫn theo đuổi chính sách thuế nhập khẩu cao
Ông Trump vốn nổi tiếng với chính sách thuế nhập khẩu cao. Hầu hết các quy định dưới thời ông Trump vẫn được chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục, song ứng viên đảng Cộng hoà đã đưa ra các cam kết mới.
Hồi tháng 3, ứng viên đảng Cộng hoà cho biết ông có thể áp dụng mức thuế 100% đối với tất cả ô tô nhập khẩu nếu tái đắc cử. Vào tháng 4, ông đề xuất mức thuế 10% đối với tất cả hàng hoà nhập khẩu, riêng hàng từ Trung Quốc phải chịu các loại thuế bổ sung lên tới 60%.
Hôm 14-8, ông Trump đưa ra cam kết mới: áp dụng mức thuế từ 10 đến 20% đối với các quốc gia bị coi là “lừa đảo”, ám chỉ các nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ với nước Mỹ.
Bà Harris tập trung vào tầng lớp trung lưu, người có thu nhập thấp
Ngày 16-8, bà Harris công bố kế hoạch cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp. Đối tượng được hưởng lợi có thể lên tới hơn 100 triệu người.
Bà Harris đề xuất khôi phục khoản cấn trừ thuế bổ sung liên quan tới trẻ em về mức 3.600 USD. Quốc hội Mỹ hồi năm 2021 đã thông qua quy định tương tự, song phe Dân chủ đã không thể thuyết phục đảng Cộng hoà gia hạn quyết định, khiến khoản cấn trừ thuế này giảm về 2.000 USD.
Kế hoạch còn đề xuất thêm khoản cấn trừ thuế bổ sung lên tới 6.000 USD cho nhóm đối tượng trên trong năm đầu tiên sau khi sinh con.
Bà Harris cũng kêu gọi gia hạn các khoản trợ cấp bảo hiểm theo Đạo luật Chăm sóc y tế giá cả phải chăng (ACA – hay được biết tới với tên gọi Obamacare) – di sản của chính quyền Tổng thống Barack Obama. ACA dự kiến hết hiệu lực vào năm 2025.
Ông Trump hứa giảm thuế cho người cao tuổi
Cựu Tổng thống Trump hướng các cam kết chính sách kinh tế của mình tới người cao tuổi. Hồi cuối tháng 7, ông đã tuyên bố ý định chấm dứt thuế đối với các phúc lợi an sinh xã hội như một biện pháp giúp người cao tuổi chống chịu trước lạm phát.
Hiện nay, người cao tuổi ở Mỹ không phải nộp thuế nếu mỗi năm họ kiếm được không quá 25.000 USD (hoặc 32.000 USD đối với cặp vợ chồng hợp pháp), một nửa các khoản an sinh xã hội của họ sẽ không bị đánh thuế. Nếu vượt mức trên, người cao tuổi có thể phải trả thuế cho tối đa 85% các khoản an sinh xã hội.
Cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề giảm lạm phát
Phát biểu hôm 14-8, ông Trump hứa rằng, nếu tái đắc cử, ngay trong ngày đầu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ ban hành sắc lệnh yêu cầu các cơ quan “sử dụng mọi công cụ và thẩm quyền có sẵn để chống lạm phát và hạ giá tiêu dùng xuống nhanh chóng”.
Cựu Tổng thống Trump còn tiết lộ về một kế hoạch “loại bỏ mọi quy định tốn kém gây mất việc làm”, cũng như cam kết hạ giá tiêu dùng bằng cách tăng sản lượng dầu và khí đốt.
Trong khi đó, bà Harris kêu gọi áp đặt lệnh cấm ở cấp liên bang đối với hành vi tăng giá hàng hoá bất hợp lý nhắm vào các tập đoàn lớn.
Ngoài ra, ứng cử viên đảng Dân chủ còn cam kết giải quyết tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ. Một trong các biện pháp được nhắc tới là sử dụng đất công của liên bang để xây nhà ở giá rẻ – chính sách mà ông Trump cũng muốn thực hiện.
Nhà phân tích Stephen Collinson của CNN nhấn mạnh rằng giữa bà Harris và ông Trump, ai có thể đưa ra một thông điệp kinh tế mới mẻ và hiệu quả thì người đó sẽ chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Dù đều bị nhận xét là mang màu sắc dân tuý, các cam kết chính sách kinh tế của bà Harris và ông Trump thể hiện những tầm nhìn khác nhau về cách mà mỗi ứng viên có thể giúp người dân vượt qua những khó khăn, trước mắt là giai đoạn lạm phát cao hiện nay.