Được biết sau khi đã thuê cơ giới đưa lên đỉnh núi Tàu hoàn thổ, san lấp những hố đào trả về như hiện trạng ban đầu, ông Tiệp đã nhận đủ số tiền trước đây mình đã ký quỹ cam kết hoàn thổ sau khi dự án kết thúc.
Như tin đã đưa, từ năm 1993 đến năm 2011, ông Trần Văn Tiệp đã tiến hành tìm kho báu có 4.000 tấn vàng nghi là của quân đội Nhật chôn giấu tại núi Tàu từ Thế chiến thứ hai nhưng không có kết quả.
Dù dự án thăm dò, khai thác “kho báu” núi Tàu đã chấm dứt nhưng ông Tiệp vẫn tin rằng việc tìm ra cửa hầm kho báu chỉ là vấn đề thời gian. (Trong ảnh: ông Tiệp đang chỉ ra các vị trí nghi là cửa hầm “kho báu”).
Đến tháng 10-2011 UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục cho thăm dò trong vòng chín tháng và hạn chót đến 10-7-2012 với điều kiện ông phải ký quỹ 500 triệu đồng gửi vào Kho bạc Nhà nước tỉnh như một cam kết cho việc hoàn thổ sau khi kết thúc việc thăm dò.
Từ tháng 7-2012, UBND tỉnh Bình Thuận đã tiếp tục ba lần cho ông Tiệp gia hạn đến 31-12-2014 nhưng việc tìm kiếm sau đó không có kết quả và ông Trần Văn Tiệp vẫn xin cho gia hạn nữa. Đến đầu tháng 3-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có thông báo chấm dứt việc thực hiện thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại núi Tàu.
Đáng nói là sau khi ông Tiệp hoàn thổ nhận lại tiền ký quỹ thì gần đây lại xuất hiện thêm ông HVĐ ngụ Gò Vấp, TP.HCM trình báo vị trí chôn giấu hàng ngàn tấn vàng được chôn giấu không phải trên đỉnh núi Tàu mà nằm cách núi Tàu hơn một cây số về hướng biển và dưới ba giếng cổ.