Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 1-6 đưa tin một nhân vật đối lập Belarus đã tự dùng bút đâm vào cổ ngay giữa phiên tòa xét xử ông trước áp lực bị giam giữ.
Theo cơ quan giám sát nhân quyền địa phương Viasna 96, nguyên nhân đằng sau hành động tự tử của nhân vật đối lập Steffan Latypov là do lo ngại bị "chính quyền đe dọa tới gia đình" nếu không nhận tội.
Ông Latypov, 41 tuổi, bị bắt vào tháng 9-2020 và bị đưa ra xét xử ở tòa án tại thủ đô Minsk hôm 1-6 với nhiều tội danh, bao gồm tổ chức biểu tình và chống lệnh bắt của nhà chức trách.
Các nhân viên cảnh sát đưa nhân vật đối lập Steffan Latypov lên xe cấp cứu sau khi ông tự đâm mình bằng bút tại tòa án ở Minsk, hôm 1-6. Ảnh: AP
Viasna 96 tiết lộ ông Latypov xuất hiện tại tòa án với nhiều vết bầm tím. Sau khi cha ông bị thẩm vấn, ông Latypov đã trèo lên một chiếc ghế dài và tự đâm vào cổ mình bằng một cây bút.
“Khuôn mặt ông ta trở nên tái mét, ông ngã xuống băng ghế trong khi các nhân viên an ninh tìm cách gỡ còng tay và gọi xe cấp cứu đến” - đại diện Viasna 96 cho hay.
Ông Latypov được đưa ra khỏi tòa án và nhập viện trong tình trạng bất tỉnh. Bộ Y tế Belarus sau đó cho biết ông đã tỉnh lại và không gặp bất kì nguy hiểm nào về tính mạng.
“Tất cả các biện pháp y tế cần thiết đã được thực hiện. Bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định và sẽ không tử vong” - Bộ Y tế Belarus thông báo.
Cảnh sát và nhân viên y tế đưa ông Latypov lên xe cấp cứu. Ảnh: AP
Vụ việc khiến nhiều người lên tiếng chỉ trích chính quyền Belarus. Lãnh đạo đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya kêu gọi chấm dứt ngay "hành vi khủng bố, đàn áp, tra tấn của nhà nước Belarus”.
Chính trị gia đối lập nổi tiếng Andrei Sannikov gọi đây là một “hành động tuyệt vọng” và một minh chứng khác về “bản chất giết người” của chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko.
Hàng nghìn nhân vật đối lập và người biểu tình ở Belarus đã bị bắt và bị đưa ra xét xử từ năm 2020 sau những cuộc đàn áp biểu tình chống chính phủ đầy gay gắt của lực lượng cảnh sát nước này, SCMP đưa tin.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: AFP
Sự việc xảy ra trong bối cảnh Belarus đang đang vấp phải chỉ trích từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau vụ buộc một máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk để kiểm tra an ninh và bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich hôm 23-5.
Phản hồi lại, Tổng thống Lukashenko khẳng định máy bay Ryanair được yêu cầu hạ cánh vì nhận được lời đe dọa đánh bom từ một ứng dụng email mã hóa có trụ sở ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn tiếp tục cáo buộc Belarus thực hiện hành vi không tặc và yêu cầu thả nhà báo Protasevich. EU còn áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Belarus, cấm các chuyến bay quá cảnh nước này và cấm các hãng hàng không Belarus sử dụng không phận hoặc sân bay các quốc gia thành viên EU.