Như vậy, bình quân mỗi nhân viên của SHB nhận 23,49 triệu đồng/người trong 3 tháng, tương ứng 7,83 triệu đồng/người/tháng. So với cùng kỳ năm 2013, mức thu nhập của mỗi cán bộ nhân viên tại SHB đã giảm khoảng 6,4 triệu đồng/người/tháng.
Trong số các nhà băng có mức lương chỉ trả trên 10 triệu đồng/người, cái tên đáng chú ý nhất được đổ dồn về NHTMCP Quốc dân (NCB) và PGBank. Trong 6 tháng đầu năm NCB chỉ báo lãi 3,76 tỷ đồng, thế nhưng mức chi trả cho mỗi nhân viên của NCB vẫn là 10,72 triệu đồng/tháng.
Đứng kế tiếp là PGBank. Tổng số nhân viên của PGBank tính tới ngày 30/6/2014 là 1.464 người, tăng 47 người so với hồi tháng 3/2014. Chi phí chi trả lương, phụ cấp cho nhân viên của PGBank quý 2 là 4,568 tỷ đồng, tăng khoảng trên 2,2 tỷ đồng so với quý 1/2014. Lương bình quân tại PGBank là 9,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng nếu tính cả các khoản phụ cấp, thu nhập sau thuế mỗi nhân viên PGBank lĩnh 10,08 triệu đồng/người/tháng. Dù vậy, mức thu nhập này cũng giảm 2,1 triệu đồng/người/tháng so với hồi quý 1/2014.
PGBank hiện đang trong quá trình tái cấu trúc khi cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là Petrolimex sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20% vào năm 2015 theo quy định của Chính phủ.
Đáng chú ý, Ngân hàng Quốc dân (NCB) trong 6 tháng chỉ báo lãi 3,76 tỷ đồng, tuy nhiên thu nhập của nhân viên vẫn trên 10,7 triệu đồng/ tháng cao hơn nhiều so với 2 ngân hàng SHB và PGBank.
Dù có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2014 với 5,2%, nhưng OceanBank vẫn nằm trong top 10 nhà băng trả lương hấp dẫn cho người lao động, ở mức 12,08 triệu đồng/người/tháng.
Nằm trong top ngân hàng dẫn đầu song trong 6 tháng đầu năm, mỗi nhân viên của Vietinbank có thu nhập bình quân 14,8 triệu đồng, giảm 6,4 triệu đồng so với quý trước.
Có mức thu nhập thuộc top khá trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, mỗi nhân viên tại ACB nhận 13,85 triệu đồng/người/tháng.
Nhưng khi trao đổi với Infonet ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc ACB cho rằng, thu nhập 6 tháng đầu năm mới chỉ phản ánh một giai đoạn, chứ thể đại diện cho bức tranh thu nhập cả năm.
"Con số lương, thưởng cao hay thấp còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cả năm của ngân hàng. Chỉ số bình quân chỉ phản ánh một phần bức tranh thu nhập nhân viên ngân hàng. Thước đo chuẩn xác nhất lại dựa vào chỉ tiêu, doanh thu mỗi cá nhân hoặc chi nhánh đạt được trong tháng, quý đó", ông Toại nói.
Thêm nữa, thu nhập nhân viên ngân hàng không phải chỉ mỗi lương cứng mà còn các khoản phụ cấp và thu nhập tăng thêm khác.
Chung quan điểm này, một chuyên gia uy tín trong ngành ngân hàng đưa ra con số so sánh: lương kĩ sư mới ra trường mức lương trung bình chỉ 4-5 triệu/tháng, nhưng lương bình quân ngân hàng thường trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Nếu nhìn vào 2 con số này, rõ ràng ngân hàng vẫn có sức hút hơn.
Tuy thế, theo ông cùng với khó khăn kinh tế, ngành ngân hàng đang đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt và sàng lọc mạnh mẽ. Nhiều ngân hàng sau quá trình cơ cấu lại, mạnh lên họ sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn để thu hút người lao động,nhất là người có kinh nghiệm.
Ngược lại, ngân hàng làm ăn khó khăn, nợ xấu chất chồng, buộc phải cắt giảm lương, thưởng và nhân viên để tiết giảm tối đa chi phí. Đương nhiên ở những ngân hàng đó sẽ phải chứng kiến sự ra đi ồ ạt của nhân viên. Và cũng có nhiều người do không chịu được áp lực công việc của ngân hàng sau tái cơ cấu đã phải tự xin thôi việc.
"Nếu lương cao thì chứng tỏ ngân hàng đó ăn lên làm ra, lợi nhuận tốt, thu nhập cao và ngược lại. Nhưng theo tôi chỉ có số ít NHTMCP có sức khoẻ và lợi nhuận tạm ổn trong năm nay do biết khéo léo "lái thuyền trong cơn sóng". Còn phần lớn đều rất khó khăn, vì thế ảnh hưởng rất nhiều tới thu nhập của nhân viên", vị này trầm ngâm.
Theo Trường Giang/Infonet