“Việc áp dụng diện tích bình quân nhà ở để đăng ký hộ khẩu thường trú diện cho thuê, cho mượn, ở nhờ tại TP có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân trong giai đoạn đầu thực hiện” - Sở Xây dựng TP.HCM tự đánh giá khi bổ sung nội dung dự thảo nghị quyết của HĐND về diện tích bình quân để đăng ký thường trú theo diện nói trên.
Trước đó, theo yêu cầu của UBND TP, Sở Tư pháp đề nghị Sở Xây dựng bổ sung vào dự thảo kết quả đánh giá tính khả thi trên thực tế và sự ảnh hưởng của đề xuất này đối với người dân.
Khi được Sở Xây dựng hỏi ý kiến, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP (HEPZA) cho hay: Hiện TP.HCM có hơn 268.000 lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó 180.000 lao động đến từ các tỉnh, thành khác. “Một tỉ lệ lớn người dân không ổn định chỗ ở sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú và ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Nếu không được đăng ký thường trú do nơi ở không đảm bảo đủ diện tích thì về lâu dài con cái của họ sẽ bị thiệt thòi về cơ hội học tập, chăm sóc y tế…” - HEPZA nhận định.
Đa phần lao động nhập cư đều ở nhà trọ có diện tích nhỏ hơn so với diện tích bình quân về nhà ở do Sở Xây dựng đề xuất để nhập hộ khẩu. Ảnh: HTD
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP, trên địa bàn TP có 95% nhà trọ là do người dân xây dựng để kinh doanh. Đa phần nhà trọ đều có diện tích nhỏ so với diện tích bình quân về nhà ở do Sở đề xuất (8-16 m2/người). Thậm chí nhiều gia đình bảy, tám người sống trong căn nhà chỉ 30-40 m2.
Tại báo cáo trình TP, Sở Xây dựng cũng nhận định việc áp dụng diện tích bình quân nhà ở 8-16 m2 “có thể làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong giai đoạn đầu”. Tuy nhiên, Sở vẫn bảo lưu đề xuất trước đó. Cụ thể, để được nhập hộ khẩu vào nhà ở nhờ, thuê, mượn tại 19 quận trên địa bàn thì phải đảm bảo diện tích tối thiểu 16 m2/người. Riêng với năm huyện thì con số này là 8 m2/người. Quy định này không áp dụng cho những người có mối quan hệ trực thuộc như cha mẹ và con cái…
Như vậy, câu hỏi được nhiều người trông chờ nhất (đánh giá về tính khả thi và tác động của quy định đến đời sống người dân mà Sở Tư pháp đề nghị bổ sung) đã chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bởi như đã nói trên, Sở Xây dựng chỉ trả lời chung chung và định tính là “có thể ảnh hưởng trong giai đoạn đầu thực hiện”. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào, tác động tới bao nhiêu người, có khả thi hay không… thì chưa được làm rõ.
Theo một chuyên gia hành chính, trong trường hợp này lẽ ra Sở Xây dựng phải thực hiện khảo sát thực tế và có số liệu chứng minh cụ thể. Khi đó, UBND và HĐND TP mới đủ cơ sở thuyết phục để quyết định thông qua hoặc điều chỉnh lại điều kiện diện tích ở bình quân để xét cho nhập hộ khẩu. Bởi lẽ “đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhiều người dân” như Sở Tư pháp nêu khi đề nghị Sở Xây dựng bổ sung các đánh giá.
Khi được hỏi ý kiến, UBND quận 1 đề nghị cho phép phường Cầu Kho được áp dụng con số 5 m2/người vì đa số nhà tại phường này có diện tích nhỏ, hẹp trong khi người cư ngụ lại đông. Ngoài ra, Nghị định 56/2010 cũng quy định diện tích bình quân để được đăng ký thường trú tại TP.HCM vào chỗ ở thuê, nhờ, mượn chỉ cần tối thiểu 5 m2/người. |