Nhật-ASEAN hợp tác mở ‘đường cao tốc’ dữ liệu xuyên quốc gia

(PLO)- Nhật và ASEAN dự kiến sẽ hợp tác lập một trung tâm đổi mới kỹ thuật số nhằm thúc đẩy tự do lưu thông dữ liệu xuyên biên giới, đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Nikkei Asia ngày 3-7 đưa tin Nhật và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu nhằm thúc đẩy tự do lưu thông dữ liệu xuyên biên giới bằng cách cung cấp cho các doanh nghiệp khả năng phân tích thị trường trong một khu vực rộng lớn.

Cụ thể, kế hoạch cho một trung tâm đổi mới kỹ thuật số dự kiến khởi động tại Jakarta (Indonesia) vào cuối tháng 8 này do Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) - một tổ chức tư vấn quốc tế mà Nhật đầu tư - quản lý.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) cùng với các lãnh đạo ASEAN vào năm 2021. Ảnh: VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG NHẬT

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) cùng với các lãnh đạo ASEAN vào năm 2021. Ảnh: VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG NHẬT

Sáng kiến trên được Thủ tướng Nhật Fumio Kishida công bố lần đầu tiên vào tháng 5 tại diễn đàn Tương lai châu Á do Nikkei Asia tổ chức ở Tokyo.

Đối với các doanh nghiệp, các thông tin như lịch sử mua hàng của khách hàng, thử nghiệm lâm sàng cho các loại thuốc mới tiềm năng và tình trạng của dây chuyền sản xuất tại các nhà máy là rất cần thiết cho những công ty này để phát triển sản phẩm và đưa ra các chiến lược tiếp thị.

Tuy nhiên hiện nay, mỗi quốc gia có các quy định khác nhau về cách dữ liệu được thu thập và có thể được truyền tải ra nước ngoài, từ đó gây trở ngại cho hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Do đó, sự ra đời của trung tâm đổi mới kỹ thuật số nói trên sẽ giúp thúc đẩy hợp tác với các công ty khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp ở Đông Nam Á - khu vực mà hình thức thanh toán qua điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến - để nghiên cứu và phát triển các cách thức làm cho lưu thông dữ liệu qua biên giới trở nên nhịp nhàng hơn.

Ví dụ, các thử nghiệm có thể được tiến hành trong đó nhiều công ty chia sẻ dữ liệu về việc thu mua nguyên vật liệu cho toàn bộ chuỗi cung ứng, từ các linh kiện đến sản phẩm hoàn thiện.

Quản lý dữ liệu chuỗi cung ứng tại trụ sở chính của trung tâm cho phép các công ty đa quốc gia đối phó với các tình huống bất ngờ dễ dàng hơn. Chẳng hạn, nếu một thảm họa xảy ra tại khu vực có nhiều nhà cung cấp tập trung thì các nguồn thay thế cần được đảm bảo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể có được bức tranh toàn cảnh về các dữ liệu như lượng khí thải nhà kính cho từng quy trình hoặc liệu quyền của người lao động có được bảo vệ tốt hay không.

Nhật và ASEAN dự kiến sẽ thành lập một trung tâm đổi mới kỹ thuật số vào tháng 8 này. Ảnh: REUTERS

Nhật và ASEAN dự kiến sẽ thành lập một trung tâm đổi mới kỹ thuật số vào tháng 8 này. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, trung tâm đổi mới kỹ thuật số cũng sẽ tham gia nghiên cứu các công nghệ cho phép dữ liệu bao gồm bí mật kinh doanh hoặc thông tin cá nhân của khách hàng được phân tích hoặc sử dụng cho máy học (machine learning) mà vẫn giữ được tính bảo mật.

Hiện tại, các dữ liệu như vậy cần được giải mã trước khi được phân tích, tuy nhiên điều này lại vi phạm các quy định ở một số quốc gia trong khu vực.

Trung tâm đổi mới kỹ thuật số cũng có thể sẽ hợp tác với một thực thể quốc tế khác cũng đang trong quá trình thành lập thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Sự hợp tác này nhằm giải quyết các vấn đề như hình thành khuôn khổ quy định về dữ liệu ở mỗi quốc gia.

Hồi tháng 5, Nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến thế giới (G7) đã nhất trí thành lập thực thể nói trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông dữ liệu. Dù vậy, các quốc gia này cũng không hoàn toàn nhất trí về cách thức lưu thông dữ liệu, đặc biệt là ở những nước châu Âu, vốn nhấn mạnh việc bảo vệ thông tin cá nhân người dùng.

Theo tờ Nikkei Asia, sáng kiến trên của Nhật và ASEAN nhằm đối phó với những hạn chế về chia sẻ dữ liệu của Trung Quốc do nước này ưu tiên giữ dữ liệu trong nước và hạn chế các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc không được đưa dữ liệu ra bên ngoài.

Thông tin cá nhân và dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia và kinh tế không thể được chuyển ra nước ngoài mà chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng của nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm