Nhật chuẩn bị tác chiến thủy-bộ

Nhật đang phát triển năng lực thủy-bộ và phòng thủ ven biển, điều động quân đến các đảo xa và huấn luyện lực lượng phòng vệ mặt đất thành các đơn vị chiến đấu thủy-bộ có khả năng bảo vệ đảo.

Trang web USNI News của Học viện Hải quân Mỹ ngày 5-4 (giờ địa phương) đã nhận định như trên.

Phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tổ chức hồi tuần trước, Đại tá Masashi Yamamoto, tùy viên quân sự Đại sứ quán Nhật tại Washington, cho biết Nhật đang tăng cường khả năng chiến đấu thủy-bộ ở hầu hết các đảo khu vực tây nam, trong đó có đảo Yonaguni rất gần Trung Quốc đại lục.

Nhật-Mỹ tham gia cuộc tập trận Iron First 2016 từ ngày 26-1 đến 27-2 tại bang California. ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ông thông báo các biện pháp như sau:

Triển khai một đơn vị giám sát trên đảo Yonaguni lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, các đơn vị bảo vệ bờ biển sẽ được bố trí ở các đảo phía tây nam, tập trung ở 200 đảo cách đất liền Nhật 680 hải lý.

Chuyển một trung đoàn bộ binh thành trung đoàn thủy-bộ. Trung đoàn bộ binh chỉ phụ trách bảo vệ đảo còn trung đoàn thủy-bộ sẽ di chuyển qua các đảo và tấn công trả đũa tại các khu vực tranh chấp.

Bố trí lực lượng thủy-bộ vào lực lượng phòng vệ mặt đất thay vì vào hải quân như Mỹ. Lực lượng phòng vệ mặt đất và lực lượng phòng vệ biển đang trong giai đoạn đầu huấn luyện để phối hợp tác chiến.

Đưa các binh sĩ Nhật học tại ĐH Thủy quân lục chiến và Trường Viễn chinh tại căn cứ thủy quân lục chiến ở Quantico (bang Vigrinia).

Hợp tác với thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận Iron First 2016 hồi đầu năm tại căn cứ Pendleton (bang California) với các hạng mục chuyển quân ra biển bằng tàu thủy-bộ và huấn luyện tác chiến trong các chiến dịch từ tàu vào bờ.

Đại tá Masashi Yamamoto cho biết Bộ Quốc phòng Nhật sẽ mua 17 máy bay Ospreys MV-22 (hạ cánh thẳng đứng) và 52 xe tăng lội nước AAV-7 giữa các năm tài chính 2014-2018.

Song song theo đó, ba tàu đổ bộ sẽ được thiết kế riêng có thể hoạt động như xe tăng lội nước.

Ông cho biết Nhật đang chú ý đến Úc là quốc gia cũng đang phát triển năng lực chiến đấu thủy-bộ.

Sự hợp tác này nghe có vẻ kỳ lạ bởi trung đoàn thủy-bộ Nhật được đào tạo để hỗ trợ nhân đạo hay cứu trợ thảm họa nhưng nhiệm vụ chính vẫn là bảo vệ quê hương. Trong khi đó, Úc đặt ra mục tiêu xây dựng lực lượng nhằm thực hiện tác chiến thủy-bộ dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, Đại tá Masashi Yamamoto cho rằng các kỹ năng chiến đấu và chiến thuật tương tự nhau trong các chiến dịch thủy-bộ sẽ giúp hai bên học hỏi và hợp tác với nhau.

Tuyên bố chung của hội nghị bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 tại Hiroshima (hai ngày 10 và 11-4) sẽ kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Báo Japan Times (Nhật) ngày 7-4 dẫn nguồn tin từ chính phủ nhận định đây là động thái nhằm đáp trả hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông. Tuyên bố chung cũng sẽ kêu gọi các bên tranh chấp phải tôn trọng phán quyết của các tòa án quốc tế.

Nhật đang tìm cách thuyết phục các nước châu Âu cùng hợp tác phản đối hành động hung hăng của Trung Quốc. Nhật cũng dự kiến mời các nước châu Á như Lào, Indonesia, Việt Nam, Pakistan, Sri Lanka cùng với Papua New Guinea và Chad dự hội nghị G7. Nhật là thành viên G7 duy nhất ở châu Á và đây là hội nghị G7 đầu tiên ở Nhật trong tám năm.

TNL

2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ đầu tiên sẽ được thành lập từ nay đến tháng 3-2018.

________________________________________

Chúng tôi đã hoàn thành việc chuẩn bị cho các lữ đoàn thủy-bộ và chúng tôi cũng có ngân sách mua lại xe tăng lội nước và máy bay Ospreys. Tuy nhiên, như thế chưa đủ, chúng tôi cần huấn luyện lực lượng phòng vệ chiến đấu tốt.

Đại tá MASASHI YAMAMOTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm