Báo cáo được công bố ngày 30-6 ghi nhận vụ tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) giữa Nhật và Trung Quốc đã gây trở ngại cho tiến trình đàm phán thiết lập một cơ chế giám sát khủng hoảng. Đàm phán về vấn đề này được nối lại hồi tháng 1-2015 nhưng rồi tiếp tục kéo dài.
Báo cáo đề nghị Bắc Kinh rút yêu sách chủ quyền Senkaku khỏi các cuộc đàm phán và không dùng điều đó làm công cụ để gây sức ép chính trị hoặc đòi hỏi Tokyo nhượng bộ. Về phía Nhật, báo cáo đề nghị Nhật không quy kết và phê phán quyền tự do đi lại của Trung Quốc trong hải phận quốc tế phía tây Thái Bình Dương.
Báo cáo đề nghị hai nước lập đường dây nóng tránh xung đột. Đường dây nóng từng được thiết lập vào tháng 10-2000 nhưng sau đó bị hủy bỏ sau khi Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi (cầm quyền từ năm 2001 đến 2006) đến thăm đền tưởng niệm Yakukuni.
Báo cáo của Nhóm Khủng hoảng quốc tế nhận định tái lập đường dây nóng sẽ là bước đầu tiên để lập một cam kết quản lý khủng hoảng mà nếu được áp dụng trong từng giai đoạn thì có thể “dẹp qua một bên” chuyện tranh chấp chủ quyền. Đường dây nóng cũng tạo nền tảng cho các cuộc liên lạc quốc phòng để về lâu dài giúp ổn định quan hệ song phương và bảo đảm liên lạc giữa quân đội hai nước.
Nhóm Khủng hoảng quốc tế đề nghị đường dây nóng luôn được mở suốt, người điều hành phải có quyền tiếp xúc ngay với các nhà hoạch định chính sách và lực lượng tiền phương, đồng thời có quyền ban hành quyết định kiềm chế khủng hoảng. Mục đích nhằm tránh va chạm ngoài ý muốn giữa máy bay và tàu chiến hai nước ở biển Hoa Đông.
Nhóm Khủng hoảng quốc tế lưu ý quan hệ lạnh lẽo Trung-Nhật đã được cải thiện từ cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Shinzo Abe hồi năm 2014. Nhờ thủ tướng Nhật tránh tranh cãi, Bắc Kinh đã giảm căng thẳng với Nhật. Bởi thế “Trung-Nhật cần tranh thủ cơ hội từ sự hòa giải mong manh hiện nay để lập quan hệ quản lý khủng hoảng”.
Báo South China Morning Post ghi nhận do Trung Quốc toan tính mở rộng sự hiện diện ở phía tây Thái Bình Dương, Nhật đã phản ứng lại bằng cách tăng cường phòng thủ ở phía nam. Nhật cũng lo ngại Bắc Kinh lợi dụng cơ chế giám sát khủng hoảng để bào chữa cho sự hiện diện quanh quần đảo Senkaku hoặc sẽ yêu cầu Nhật giảm tuần tra quanh quần đảo này.