Tạp chí National Interest (Mỹ) chuyên về quan hệ quốc tế hôm 9-5 cho biết Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) không sở hữu các vũ khí tấn công có đủ tầm để đánh chặn phủ đầu các tên lửa của Triều Tiên như loại tên lửa Scud mà Bình Nhưỡng bắn về hướng biển Nhật Bản hồi tháng 3 năm nay.
Theo thông tin được tờ Sankei Shimbun (Nhật) đăng tải, để giải quyết mối đe dọa này, Tokyo được cho là đang có ý định mua các tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk. Được trang bị với một đầu đạn nổ nặng 450 kg, loại tên lửa dài 5,5 m này có thể tránh hệ thống radar của địch và phá hủy các mục tiêu ở khoảng cách gần 1.450 km.
Nhật Bản cũng đang xem xét trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore (phiên bản đất liền của hệ thống Aegis) để tăng cường năng lực đánh chặn tên lửa của nước này.
Tuy nhiên, việc trang bị các tên lửa hành trình tấn công sẽ tạo ra sự thay đổi lớn bên trong chính sách an ninh quốc gia của Nhật. Các chính sách yêu chuộng hòa bình sau Thế chiến II của Nhật đã cấm sáp nhập thủy quân lục chiến, tàu sân bay và tên lửa thành các lực lượng vũ trang.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của hải quân Mỹ phóng một tên lửa Tomahawk từ Địa Trung Hải vào ngày 29-3-2011. Ảnh: US NAVY
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tokyo đã mở rộng phạm vi hoạt động của SDF. Quân đội Nhật Bản được cho là đang huấn luyện lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên, và lực lượng hải quân Nhật vừa đưa vào biên chế tàu sân bay trực thăng lớp Izumo thứ hai. Theo National Interest, đây thực chất là một tàu sân bay giả trang một tàu khu trục.
Các tên lửa hành trình Tomahawk sẽ cho phép Nhật Bản mở các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào hệ thống vũ khí của Triều Tiên mặc dù Tokyo có thể sẽ sử dụng chúng để phản công. Sau vụ phóng bốn tên lửa Scud của Triều Tiên hồi tháng 3, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng đã bắt đầu thảo luận việc tăng cường năng lực cho các lực lượng vũ trang của Nhật Bản.
“Nhật Bản không thể chỉ ngồi đợi cho đến khi bị phá hủy. Về mặt pháp lý, Nhật có thể tấn công một căn cứ mà địch sử dụng để phóng tên lửa nhằm vào chúng ta. Tuy nhiên, hiện chúng ta không sở hữu các vũ khí hay năng lực như vậy” - Hiroshi Imazu, người đứng đầu ủy ban an ninh thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật, nói.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng nói rằng Nhật Bản cần xem xét sở hữu năng lực tấn công. National Interest cho biết một hội đồng đánh giá an ninh của LDP đã đề nghị Nhật Bản phát triển năng lực tấn công các căn cứ quân sự của Triều Tiên bằng tên lửa hành trình. Đây được xem như một loại hình trả đũa bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Tokyo.
“Vụ tấn công tên lửa đầu tiên có thể bị ngăn chặn bằng hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta. Tuy nhiên, để phòng các vụ tấn công tái diễn, chúng ta cần tạo sự kiểm soát đối với địa điểm phóng tên lửa của địch và ngăn chặn một vụ phóng thứ hai” - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói. Ông nhấn mạnh: “Đây không phải là một đề nghị về một cuộc tấn công phủ đầu mà là về các cuộc phản công để ngăn chặn một vụ tấn công tên lửa thứ hai”.
Theo National Interest, để trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk, bên cạnh các vấn đề nội bộ Nhật Bản, Tokyo cũng sẽ cần sự cho phép của Mỹ.