Nhiều học sinh được chi trả hàng tỉ đồng bảo hiểm y tế

“Hằng năm, BHXH chi gần 1.000 tỉ đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó chủ yếu dành cho nhóm học sinh, sinh viên (HS-SV)…”.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, thông tin như trên về công tác phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) HS-SV.

Cụ thể, thời gian qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 3.000 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT cho HS-SV, trong đó nhiều em phải chạy thận nhân tạo, điều trị thuốc ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng...  Đặc biệt, BHYT chi trả đến 30% cho các trường hợp điều trị bệnh hiếm trong khi quỹ BHYT ở hầu hết các nước trên thế giới chưa chi trả.

Những điều cần biết về bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên. 

Bên cạnh đó, sức hút của BHYT cũng được nâng lên do chính sách ngày càng hoàn thiện theo xu hướng đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cùng ngành y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi có nhu cầu khám chữa bệnh...

Theo thống kê, tỉ lệ bao phủ BHYT HS-SV phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Năm học 2009-2010 có khoảng 10,7 triệu (gần 70%) HS-SV tham gia, đến năm 2017 có hơn 16 triệu em tham gia (tỉ lệ hơn 93%). Đặc biệt, năm học 2018-2019 có hơn 17 triệu (chiếm 95,3%) HS-SV tham gia BHYT.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, hiện vẫn còn tỉ lệ nhỏ SV các trường trung cấp, CĐ, ĐH từ năm thứ hai trở lên chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân được cho là ở độ tuổi này nhiều em thường chủ quan về sức khỏe, chưa nhận thức được tham gia BHYT là rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng.

“Đây là điều mà chúng tôi đang suy nghĩ và trăn trở để tìm giải pháp, bởi HS-SV là một trong các nhóm đối tượng có mục tiêu phấn đấu phải đạt nhanh tỉ lệ bao phủ 100% theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước…” - ông Sơn nói.

Để đạt được mục tiêu trên, phó giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng trước mắt phải giữ vững và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân về ý thức, trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT để tham gia thường xuyên. “Đến lúc nào đó cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục trong nhà trường để nâng cao nhận thức cho các em. Đó là điều hết sức quan trọng…” - ông Sơn nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm