Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua công ty năng lượng mặt trời Việt Nam

(PLO)- Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường quản lý các giao dịch có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tại thị trường Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo hoạt động kiểm soát tập trung kinh tế năm 2022 do Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia vừa phát hành, năm 2022 Bộ Công Thương nhận được 154 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (TTKT), tăng 18,46% so với năm 2021.

Kết quả, có 133 hồ sơ được tiếp nhận với tổng số 397 doanh nghiệp (DN) tham gia, trong đó 180 DN nước ngoài, 217 DN trong nước.

TTKT gồm các hình thức: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh và các hình thức khác. Trong đó, mua lại chiếm gần 80% đồng đều qua các năm 2020- 2022, liên doanh chiếm 15,04%, tăng đáng kể so với năm 2021. Năm 2022 không có hình thức hợp nhất DN đơn lẻ.

Trong 133 hồ sơ thông báo TTKT nêu trên, các giao dịch được thực hiện ở đa dạng lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến bất động sản, năng lượng.

Trong cơ cấu các giao dịch thông báo TTKT năm 2022, dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất và xu hướng M&A lĩnh vực năng lượng tăng. Về lĩnh vực dịch vụ, logistics chiếm cao nhất. Đáng chú ý, các hãng tàu biển chủ yếu mua lại các công ty giao nhận vận tải nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng. Điển hình là vụ hãng tàu biển Maersk Logistics & Services International thực hiện liên tiếp ba giao dịch TTKT.

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, logistics là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, đặc biệt hàng hoá xuất nhập khẩu của DN Việt Nam phụ thuộc hầu hết vào các hãng tàu biển nước ngoài. Do đó, cơ quan này sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo DN cạnh tranh lành mạnh.

Năm 2022 đánh dấu sự gia tăng vượt trội hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với số lượng giao dịch tăng gấp đôi. Tổng giá trị giao dịch đạt 676 triệu USD, tăng gấp năm lần so với năm 2021.

Theo đó, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định 18 hồ sơ thông báo TTKT, tăng 20% so với năm 2021 và 600% so với năm 2020. Các giao dịch thông báo TTKT với hình thức mua lại là chủ yếu. Trong đó, DN nước ngoài mua lại DN trong nước chiếm đến 37,5%, nhà đầu tư chủ yếu đến từ Singapore, Hàn Quốc.

Hiện nay, xuất hiện xu hướng các DN nước ngoài mua gom các công ty năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Điển hình là chuỗi giao dịch M&A trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sunseap. Do đó, cơ quan chức năng sẽ chú trọng giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn nguy cơ hình thành DN có sức mạnh đáng kể trên thị trường điện mặt trời nối lưới tại Việt Nam.

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, để tiếp tục đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cơ quan này sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong kiểm soát các giao dịch TTKT. Đặc biệt là các giao dịch có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tại thị trường Việt Nam…

Tại Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 tổng giá trị thương vụ M&A đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ, số lượng giao dịch giảm đáng kể so với hai năm trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm