Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người mua về 'sở hữu kì nghỉ'

(PLO)- Người dân trước khi tham gia sự kiện giới thiệu “sở hữu kì nghỉ” cần tìm hiểu thông tin bên cung cấp, cần nghiên cứu kĩ hợp đồng trước khi kí kết
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa đưa ra khuyến cáo người dân khi tham gia mô hình “sở hữu kì nghỉ".

Tại Việt Nam loại hình không còn quá mới, một số thời điểm mô hình này được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch hậu COVID-19. Thời gian qua, người tiêu dùng (NTD) phản ánh họ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo.

Cần hiểu rõ về loại hình sở hữu kì nghỉ

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, để cung cấp "sở hữu kì nghỉ" bên bán có thể sở hữu (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Ngay cả trường hợp bên bán sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn không đồng nghĩa với bên mua kỳ nghỉ có quyền sở hữu bất động sản.

Hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” là hợp đồng dịch vụ chứ không phải là hợp đồng mua bán bất động sản.

Đối với những đơn vị chào bán sản phẩm (không sở hữu dự án, khách sạn) họ bán sản phẩm lưu trú trên cơ sở hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của đối tác.

Đối với loại hình bên bán đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ lưu trú, việc đi nghỉ dưỡng trên thực tế chỉ diễn ra khi bên bán hoàn thành và đưa dự án hoạt động chính thức. Điều này có nghĩa là tại thời điểm ký kết hợp đồng, có thể các căn hộ, khách sạn chưa hình thành.

Đối với loại hình bên bán không có dự án, khách sạn...việc cung cấp sản phẩm đến người mua phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của bên thứ ba, do bên bán ký kết, hợp tác.

Vì vậy, việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị đứt gãy nếu bên bán gặp trục trặc từ đối tác hoặc thậm chí là biến mất.

Hầu như tất cả các hợp đồng mua-bán “sở hữu kỳ nghỉ” hiện nay đều là hợp đồng dài hạn, NTD đều phải trả trước số tiền lớn. Do đó, người mua cần đánh giá về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế.

Khách hàng lo mất cả trăm triệu đồng khi mua kì nghỉ du lịch vì không liên lạc được giám đốc công ty. ẢNH: TÚ UYÊN

Khách hàng lo mất cả trăm triệu đồng khi mua kì nghỉ du lịch vì không liên lạc được giám đốc công ty. ẢNH: TÚ UYÊN

Các lưu ý trước khi kí hợp đồng

Hiện nay nhiều phản ánh NTD sản phẩm trên thực tế không như các thông tin quảng cáo. Hơn nữa, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích cho bên cung cấp dịch vụ.

Do đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo NTD trước khi tham gia sự kiện giới thiệu “sở hữu kì nghỉ” cần tìm hiểu thông tin bên cung cấp.

Trước khi quyết định, NTD yêu cầu cung cấp đầy đủ hợp đồng và nghiên cứu kỹ các vấn đề như xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Bởi hầu hết các hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” hiện nay đều là dài hạn, bên cạnh khoản phí cố định từ đầu, NTD sẽ phải đóng thêm nhiều phí khác như phí thường niên; phí quản lý...

NTD nghiên cứu các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng. Ví dụ thời điểm bắt đầu được quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng không, nếu có thì đi kèm điều kiện gì…

Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như không cho NTD hủy ngang hợp đồng; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm…

Năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD tiếp nhận một số khiếu nại của NTD và đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD đối với 1 công ty sở hữu kỳ nghỉ tại Cam Ranh.

Công ty này bị xử phạt hành chính về hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho NTD; sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định.

Đến nay, công ty vẫn đang thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc cải chính thông tin đối với hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho NTD”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm