Bà Võ Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương, cho biết sau ba năm thực hiện dự án, trung tâm đã giúp đỡ được 172 trường hợp, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến pháp lý. Cụ thể như một số người không có CMND nên khi sinh con không thể làm giấy khai sinh. “Với những trường hợp này, trung tâm đã hỗ trợ bằng cách đưa người mẹ đến cơ quan công an để giúp làm giấy tờ cho bé mới sinh” - bà Tâm nói.
Cạnh đó, ông Lê Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH, cho hay tổ thực hiện dự án và “CLB Chúng tôi là phụ nữ” đã tổ chức thành công bốn đợt đối thoại và hội thảo giữa những phụ nữ bán dâm với chính quyền địa phương, đặc biệt là công an. Từ đó, cơ quan công an đã có những hỗ trợ tích cực cho những phụ nữ này khi bị bạo lực giới.
“Ngoài ra, họ còn được truyền thông về kiến thức pháp luật, cách phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trường hợp nào có bệnh đều được chuyển gửi đến các địa chỉ y tế tin cậy để khám chữa bệnh. Nhiều người được vay vốn chuyển đổi nghề, 22 người được giới thiệu học nghề làm tóc với kinh phí 35 triệu đồng/người/khóa đào tạo” - ông Quý cho biết thêm.
Dự án sẽ kết thúc vào ngày 30-6-2017 nhưng ông Quý đề nghị tiếp tục duy trì mô hình “CLB Chúng tôi là phụ nữ”. Nguồn kinh phí hoạt động dự tính sẽ từ việc mở một cửa hàng văn phòng phẩm, nước suối… phục vụ các sự kiện và hội nghị.