Nhiều thách thức trong cuộc chiến tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo

- Mức độ đe dọa Mỹ đến đâu?: Kết quả thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ lo sợ Nhà nước Hồi giáo. Cơ quan tình báo Mỹ tuyên bố Nhà nước Hồi giáo thiếu khả năng tấn công Mỹ. Tổng thống Obama lại nói Nhà nước Hồi giáo đe dọa toàn Trung Đông và sẽ đe dọa Mỹ. Ông Obama chưa giải thích rõ vấn đề này trong khi Mỹ cũng chưa phát hiện âm mưu đe dọa cụ thể nào.

- Ai giúp Mỹ?: Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ thành lập liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo nhưng lại chỉ nêu đối tác duy nhất là Iraq. Chưa rõ nước nào thực sự giúp Mỹ chống Nhà nước Hồi giáo?

- Ai ở Syria đánh Nhà nước Hồi giáo?: Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ yểm trợ phe đối lập ở Syria nhưng lại quả quyết không đặt nhiều niềm tin vào Quân đội Tự do Syria (quân của phe đối lập Syria). Vậy lực lượng nào ở Syria chống Nhà nước Hồi giáo? Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu phe đối lập Syria chỉ tập trung chiến đấu chống chính phủ trước đã?

- Lợi ích của Mỹ có bị ảnh hưởng?: Mỹ muốn xóa sổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và đang đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Vậy cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo nằm ở đâu trong trật tự các ưu tiên của Mỹ?

Ngoài bốn câu hỏi lớn nêu trên, hãng tin AP nhận định Mỹ còn phải đối phó với nhiều thách thức.

Ngoại trưởng John Kerry thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò quan trọng trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo vì giáp giới Syria và nhiều chiến binh nước ngoài đã qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để đến Syria. Tuy nhiên, ông không thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ tích cực tham gia liên minh, cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ không quân và kiểm soát chặt các cửa khẩu với Iraq. Không thể trách Thổ Nhĩ Kỳ vì Nhà nước Hồi giáo đang giữ 49 con tin Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nhiều nhà ngoại giao.

Thách thức kế tiếp là Mỹ khác quan điểm với Pháp về Iran và Syria. Pháp sẵn sàng tham gia không kích tại Iraq và đã cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Iraq. Tuy nhiên, Pháp không muốn không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria bởi lo ngại sức mạnh của Tổng thống Bashar al-Assad tăng thêm và nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý quốc tế.

Đối với Iran, do đánh giá cao ảnh hưởng lâu dài của Iran với Iraq, Pháp muốn Iran tham gia liên minh và mời Iran tham dự hội nghị quốc tế về Nhà nước Hồi giáo ở Paris (Pháp) ngày 15-9. Trong khi đó, Mỹ lại không muốn Iran tham gia liên minh vì Iran ủng hộ chính phủ Syria. Iran đã giúp người Kurd ở Iraq chống Nhà nước Hồi giáo theo yêu cầu của chính phủ Iraq nhưng đánh giá liên minh do Mỹ dẫn đầu là mơ hồ.

DUY KHANG - ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm