Tại Úc ngày 19-9, Thủ tướng Tony Abbott đã khen ngợi cơ quan an ninh phá vỡ âm mưu của Nhà nước Hồi giáo vào đêm 17-9 (bắt người, cắt cổ, quay phim và phát trên mạng). Ông giải thích một công dân Úc tên Mohammad Baryalei là phần tử cấp cao của Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã chỉ đạo cho mạng lưới ở Úc thực hiện kế hoạch trên.
Cùng ngày, cảnh sát đã tăng cường bảo vệ ở Canberra, đặc biệt là tòa nhà Quốc hội. Cơ quan tình báo đã chặn được cuộc gọi nói đến tấn công các mục tiêu gồm thủ tướng, các thành viên chính phủ và cơ quan tình báo. Thủ tướng Tony Abbott thông báo trên truyền hình cả nước đang gặp nguy cơ và cảnh sát sẽ bố ráp nhiều hơn nữa.
Vì sao Úc trở thành mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo, kênh truyền hình France 2 (Pháp) giải thích Úc là đồng minh truyền thống của Mỹ, đã từng đưa quân sang Afghanistan và Irak và hồi tháng 8 đã xây dựng luật nhằm bắt giữ công dân Úc ủng hộ khủng bố.
Tại Pháp, văn phòng tổng thống thông báo lúc 9 giờ 40 ngày 19-9, máy bay Pháp cất cánh từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã ném bom vào kho tàng của Nhà nước Hồi giáo ở Đông Bắc Iraq. Hôm trước đó, Tổng thống François Hollande chính thức tuyên bố Pháp bắt đầu chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.
Song song theo đó, báo Le Monde (Pháp) đưa tin Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật mới về chống khủng bố. Các nội dung chính gồm cấm xuất cảnh đối với người tham gia thánh chiến ở nước ngoài, thêm tội danh mới hoạt động khủng bố cá nhân, khóa các trang web cổ súy khủng bố.
Tại Mỹ, sau Hạ viện, Thượng viện đã phê chuẩn kế hoạch viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy Syria để chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Bộ chỉ huy quân sự phụ trách Trung Đông và Trung Á của Mỹ thông báo ngày 18-9, lần đầu tiên từ khi không kích ở Iraq (ngày 8-8), máy bay Mỹ đã ném bom vào trại huấn luyện của Nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Mosul.
Trong khi đó, ngày 18-9, Nhà nước Hồi giáo đã phát trên Internet đoạn băng video dài ba phút với tựa đề “Hãy lắng tai nghe”. Trong băng, con tin nhà báo Anh John Cantlie mặc bộ đồ màu cam, ngồi một mình trên bàn với thái độ bình thản. Con tin cho biết trong thời gian tới sẽ chứng minh bộ mặt thật của phương Tây và chỉ trích các nước sẵn sàng thương lượng giải cứu con tin nhưng Anh và Mỹ thì không. John Cantlie bị bắt cóc ở Syria hồi tháng 11-2012.
D.THẢO